Lê Uyên & Phương




“Yêu nhau trong lo âu" ở Đà Lạt 

 

Năm 1954, trên chuyến bay đầu tiên của dòng người di cư từ Bắc vào Nam, có một số người trong dòng họ Lâm gia rời khỏi ngôi nhà 81 phố Hàng Bồ, Hà Nội để vào Sài Gòn. Trong những người cùng dòng tộc đó, có một bé gái nhỏ tuổi nhất tên Lâm Phúc Anh.

Ở trường nói tiếng Tây, về nhà nói tiếng Hoa, Lâm Phi Anh không rành tiếng Việt. Mãi cho đến năm 15 tuổi, gia đình đưa Lâm Phúc Anh lên Đà Lạt học trường nội trú Tây.

Tại đây, cô yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, sau câu “Chào cô!” của anh giáo nghèo Lê Văn Lộc nhà bên cạnh. Từ đó, Đà Lạt và nền âm nhạc Việt Nam có một đôi tình nhân từng “Yêu nhau trong lo âu/ Biết bao lần tha thiết nhớ mong.” Bởi vì, cuộc tình của họ bị gia đình Lâm Phúc Anh ngăn cấm. 

Mẹ của cô, tiểu thư Tô Khánh Vàng, con gái út của gia đình quan sứ Tàu Tô Đình Càng, người Hải Nam, không thể chấp nhận con gái rượu của mình yêu một anh giáo nghèo, một nghệ sĩ đàn địch không thấy tương lai.

Càng cấm, họ càng điên cuồng tìm đến nhau. Họ yêu nhau không màng sinh tử. Có khi Phúc Anh đón chuyến xe lửa ra Đà Lạt để gặp Lê Văn Lộc đã chờ sẵn ở ga, ngồi với nhau, cùng ăn ổ bánh mì, uống ly nước, rồi chia tay. Thêm một lý do để gia đình ngăn cản cuộc tình này, đó là Lâm Phúc Anh còn chưa đủ 18 tuổi. Nhưng vốn mang tính cách nổi loạn, cô dùng chính sự sống của mình để đe dọa cha mẹ, để được sống bên cạnh người yêu.

Họ cưới nhau năm 1968.

Trong thời gian đó, tình yêu đã chấp cánh cho Lê Minh Lập. Ông sáng tác hàng loạt khúc tình ca, như: Chiều Phi Trường; Không Nhìn Nhau Lần Cuối; Lời Gọi Chân Mây; Hãy Ngồi Xuống Đây; Vũng Lầy Của Chúng Ta… Đó cũng chính là những ca khúc trong tập nhạc nổi tiếng “Khi Loài Thú Xa Nhau” – đánh dấu sự ra đời của đôi song ca “Lê Uyên và Phương.”

Nhạc của Lê Uyên Phương là những bản tình ca mang hơi thở lành lạnh của Đà Lạt, có cả sự va chạm trần trụi mang đầy giới tính bản năng của loài người. Mỗi bài hát của ông đều bàng bạc sự giằng xé giữa hạnh phúc và chia lìa của cái chết. Đôi khi, ông thét lên trong âm nhạc của mình tiếng kêu hoang dại, quay quắt nỗi nhớ trong phút giây sinh tử chia lìa...

 

(BB Ngô/Người Việt)