Hoa hồng ký ức - 01

Tự truyện "Để gió cuốn đi " của ca sĩ Ái Vân

 

"Rơi tự do"

Nữ danh ca cho biết : “Trong sách có một phần đề cập về cảm nhận của người miền Bắc khi lần đầu vào miền Nam. Trước 1975, người miền Bắc đều biết đến khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

“Hồi ấy, ai cũng mong chấm dứt chiến tranh, để tận mắt thấy miền Nam ‘cờ hoa đón chào quân giải phóng hai bên đường’.

“Nhưng khi ngày 30/4/1975, khi đi cùng đoàn xe đến Quảng Trị, tôi chỉ thấy cảnh hỗn loạn, khiến mình ngơ ngác ghê lắm”.

 

“Vào đến Sài Gòn, tôi thấy ngỡ ngàng vì cuộc sống trong Nam rất ổn định, người dân lịch sự, họ sống tiện nghi còn người miền Bắc mới vào như tôi thì giống như nhà quê ra tỉnh”.

“Những điều tôi biết và hình dung về miền Nam khi ấy đã đảo lộn hết cả, giống như mình bị rơi tự do”.

Giải thích về chuyện quyết định để trắng bảy trang sách của cuốn hồi ký khi xuất bản, bà nói: “Khi bắt tay vào viết những dòng đầu của hồi ký, tôi đã ghi hết các chi tiết trong đời mình.

 

"Thế nhưng khi đọc lại bản thảo trước khi in, tôi cảm thấy những vết thương từ rất lâu tưởng đã lành rồi nhưng vẫn rỉ máu”.

 

“Tôi lo con mình không chịu nổi và người trong cuộc sẽ đón nhận những trang viết ấy ra sao khi nỗi đau trong quá khứ bị khơi lên lần nữa. Tôi chỉ muốn cuốn hồi ký là để hiểu và yêu thương nhau hơn”.

 

Tự truyện Ái Vân (phần 6): Nỗi đau bị mất căn nhà yêu dấu

 

Khu nhà 36-38 Phố Huế rất rộng, thực tế gia đình tôi chỉ sống ở nhà số 36 với diện tích 136 mét vuông, còn nhà số 38 với diện tích 600 mét vuông chỉ dùng làm sân chơi. Sau năm 1945 ba tôi cho làm sàn nhảy Paramount rất nổi tiếng, hằng đêm thanh niên Hà Nội tụ tập về đây rất đông. Mãi đến năm 1952, Gánh hát Ái Liên sau nhiều năm lưu diễn khắp Đông Dương về “định cư” ở Hà Nội, ba dùng mảnh đất 600 mét vuông của nhà 38 xây Rạp Ái Liên. Giấy phép và họa đồ số 580 cho xây rạp Ái Liên được Sở Công chính Hà Nội cấp ngày 26/5/1952 vẫn còn đấy. 

 

Gánh hát Ái Liên tan rã vào cuối năm 1953. Ba tôi chuyển sang làm phim, ông sử dụng Rạp Ái Liên làm trụ sở Hãng Vietfilm. Sau Giải phóng Thủ đô năm 1954 Hãng Vietfilm cũng tan rã nốt. Ngay sau đó Đoàn Ca kịch liên khu 4 từ Thanh Hóa trở về Thủ đô, mượn ngôi nhà này làm nơi tập luyện và biểu diễn. Cái tên Đoàn ca kịch liên khu 4 thoạt nghe dễ nhầm đó là đoàn văn công địa phương, thực chất nó là đoàn văn công chủ chốt của cách mạng, giống như Đoàn văn công Giải phóng vậy. Đó là đoàn ca kịch Trung Ương, cốt lõi của cách mạng, “dùng nghệ thuật để làm công tác tuyên truyền cách mạng”.

 

Khi Đoàn Ca kịch liên khu 4 hỏi mượn ngôi nhà 38 làm trụ sở và rạp hát, ba má tôi rất phấn khởi. Còn bao nhiêu vốn liếng ba tôi bỏ ra tu sửa rạp, mua thêm ghế ngồi, lắp quạt trần, trang bị âm thanh cho rạp hát. Má tôi và chị Ái Loan cũng đầu quân vào Đoàn Ca kịch liên khu 4, coi đây như gánh hát của gia đình rất gần gũi thân thiết.

Một thời gian sau Vụ Nghệ thuật - Bộ Văn hóa đề nghị cho Vụ thuê, tiền thuê nhà mỗi tháng là 24 đồng. Số tiền chẳng đáng là bao nhưng ba má chấp thuận vì đây là nơi diễn của hai má con Ái Liên, Ái Loan. Nhờ có rạp hát bà ngoại cũng có việc làm. Bà ngoại bán các thứ lặt vặt trong rạp: kẹo, bánh, ô mai, mía, trái cây… cho khách đến xem cũng có đồng vào đồng ra.

 

Ngày 3 tháng 5 năm 1959, ông Mai Vy vụ phó Vụ Nghệ thuật viết cho ba má một tờ giấy là văn phòng Bộ định sửa chữa nhà 38 phố Huế, muốn “mượn” giấy tờ ngôi nhà. Ba má tôi vui vẻ đưa liền không nghĩ ngợi gì. Từ đó giấy tờ nhà không trả lại, đòi thế nào cũng không trả lại. Rồi Vụ Nghệ thuật ra thông báo không thuê nhà 38 nữa mà “chuyển lên Bộ quản lý”. Tưởng “Chuyển lên Bộ quản lý” thế nào, té ra Bộ tiếp tục đưa Đoàn múa rối đến diễn ở đây. Đoàn múa rối bỏ đi thì Bộ nhanh chóng biến nơi đây thành nhà ăn tập thể, rồi dần dà cho các gia đình cán bộ, công nhân viên của Bộ Văn hóa tới ở. Biến nơi đây thành một khu tập thể nho nhỏ của Bộ Văn hóa. Nhà 38 phố Huế của tôi mất trắng từ đó.