Lợi ích tâm linh của thiền

NHỮNG  LỢI  ÍCH  TÂM  LINH  CỦA  THIỀN

 

Chúng ta sống trong một thời đại mà máy móc đọc được những trạng thái của tâm.

Khoa học đang tìm hiểu tâm con người trong mục đích chế ngự nó và áp dụng vào y học. Cách đây hơn 2550 năm, Phật giáo đã khám phá tất cả những khía cạnh của tâm và đã giải phóng nó bằng thiền định. Khoa học dùng phương pháp quan sát từ bên ngoài. Phật giáo dùng phương pháp nội quán, quan sát từ bên trong. Ngày nay một thế hệ thiền sư mới ra đời, họ vừa là nhà khoa học, vừa là một thiền gia Phật tử. Họ đem kiến thức phật học để bổ sung cho những hiểu biết khoa học hầu thúc đẩy công việc tìm tòi chân lý ; đồng thời họ đem cả tấm thân làm con vật thí nghiệm trong sự nghiên cứu về thân tâm con người. Bài viết này dựa một phần vào những kết quả nghiên cứu được trên các thiền gia nhưng không bỏ qua những hiểu biết Phật giáo về tâm thức con người.  

 

1) THIỀN LÀM CHO SỰ CHÚ TÂM HAY BIẾT TRỞ NÊN NHẠY BÉN

 

Chú tâm hay biết (attention) là một khả năng của tâm để ghi nhận những gì đang xảy ra ở bên trong và ở bên ngoài thân. Bình thường, ai cũng có, ngay cả thú vật. Nó dính liền với bản năng sinh tồn của loài sinh vật. Nếu không chú ý những nguy hiểm đến từ môi trường sống thì con người đã bị diệt chủng từ lâu. Nhưng ở đa số loài vật, chỉ nhận diện được những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài. Riêng con người có thể ghi nhận cả những gì xảy ra bên trong mình : những ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc...

 

Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta cần phải rèn luyện sự chú tâm hay biết bởi vì con người đang bị cạnh tranh một cách nghiệt ngã bởi máy móc. Nhà vô địch đánh cờ thế giới Garry Kimovitch KASPAROV đã bị một chiếc máy siêu-điện-toán Deep Blue hạ thủ năm 1997, làm cho hàng triệu người trên thế giới thất vọng và lo sợ cho khả năng con người đối với máy móc.

 

Dựa trên kỹ thuật điện toán, ngày nay trẻ con và người lớn đều có đồ chơi giống nhau : truyền hình, máy điện tính, console, tablette, Iphone, Ipad... Tưởng rằng con người sẽ liên hệ mật thiết với nhau hơn, nhưng trên thực tế họ liên hệ với nhau trong một thế giới ảo, ít nhất 2 giờ mỗi ngày. Trong métro, họ chấu đầu trên chiếc máy cầm tay và bất chấp những người chung quanh, thậm chí họ giả vờ như không thấy một cụ già đang chống gậy đứng không vững trước mặt họ. Tôi không hiểu họ có sống thật không, hay chỉ là một phó sản của máy móc ? Tôi có biết một cô gái 17 tuổi, mỗi ngày nhận hàng trăm SMS và cô phải trả lời khoảng 50 cái. Lâu ngày cô bị mất ngủ, đầu óc không tập trung, học hành bị suy kém…

 

Tôi biết nhiều gia đình khi đi du lịch; sau buổi ăn, thường ngồi nói chuyện với nhau, mỗi người đóng góp về một đề tài nào đó : thời sự, văn hóa, chính trị... Giờ đây, sau giờ ăn, mỗi người ôm một chiếc máy : bấm bấm, đẩy đẩy, kéo kéo. Bà vợ, vì không có đồ chơi riêng, đành lủi thủi bấm lia chia (zapper) máy truyền hình. Đời sống gia đình không còn vang lên tiếng cười nói, tiếng cãi cọ vui vẻ thích thú. Có một cái gì đó ngăn cách trong gia đìnhǃ Làm thế nào để giảm bớt tình trạng này? Nếu không, con người sẽ bị vong thân, đầu óc tán loạn, ngày càng bị nhiều bịnh mất trí.

 

Khoa học tâm não (neuroscience) đã chứng minh Thiền Minh Sát (Vipassanā) làm cho sự chú tâm hay biết trở nên mau lẹ, nhạy bén, nhờ nhiều cơ chế sau đây :

- chọn lọc sự định tâm trên một đối tượng chính và duy trì nó trên đối tượng này (như : hơi thở, tư thế...);

- hay biết tức khắc những kích thích đến từ thế giới bên ngoài, hoặc những vọng tâm từ thế giới bên trong ;

   - khả năng trở về đối tượng chính ở hiện tại một cách nhanh chóng (Bishop al, 2004 : Mindfulness, a proposed operational definition) ;

   - khả năng cảm nhận trong sự tỉnh thức hoàn toàn.  

 

2) SINH HOẠT ÓC NÃO TRỞ NÊN AN TỊNH

 

Sự an tịnh này được biểu hiện bằng trạng thái an vui, xả, tịnh, tùy theo mức độ thực hành thâm sâu hay thô cạn của hành giả. Kinh sách có nói đến 4 mức thiền, từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, đến Tứ thiền.

-        Ở mức Sơ thiền, hành giả cũng đã có được trạng thái hỷ lạc, định tĩnh, vì tâm lúc đó có cả 5 chi thiền : tầm, sát, hỷ, lạc, định.

-        Ở mức Tứ thiền, tâm trú trong trạng thái xả-định.

Về phương diện khoa học, sự an tịnh này được diển tả bằng sự xuất hiện của “hiệu ứng thư giãn” bao gồm những yếu tố sau đây :

- các bắp thịt được thư giãn, tim đập chậm lại, huyết áp giảm xuống ;

- hệ thần kinh đối-giao-cảm được kích hoạt ;

- lượng lactates trong máu giảm rõ rệt : 4 lần thấp hơn bình thường ;

- sự tiêu thụ oxygène trong cơ thể giảm xuống, làm hạ thấp biến dưỡng căn bản (métabolisme basal). Hiệu ứng này đã được Bác Sĩ Herbert BENSON khám phá khi ông nghiên cứu trên các nhà sư Tây Tạng có nhiều công phu thiền tại Viện Đại Học Harvard mà ông đã định nghĩa là : “trạng thái kích hoạt đối-giao-cảm với sự giảm-biến-dưỡng (état hypométabolique d’activation parasympathique). Nói một cách dễ hiểu là trạng thái thần kinh an nghỉ với sự giảm tiêu thụ năng lượng.

 

Ngoài ra, sự an tịnh này cũng được chứng minh bằng điện-não đồ trên các thiền gia. Tùy theo sinh hoạt nhiều hay ít, não bộ phát ra những làn sóng có tần số khác nhau. Tần số được đo lường bằng Hertz (Hz) : 1 Hertz tương ứng với 1 lượn sóng trong 1 giây. Có 5 loại dạng sóng :

- sóng Delta δ (0,5 – 4 Hz) : có trong giấc ngủ say, không mộng mị ;

- sóng Thêta θ (4 – 7 Hz) : tương ứng với trạng thái thiền, tâm tỉnh thức;

- sóng Alpha α (8 – 13 Hz) : có trong trạng thái thư giãn nhẹ ;

- sóng Bêta β (13 – 20 Hz) : có trong trạng thái sinh hoạt bình thường của óc não hoặc trong giấc ngủ nghịch lý (sommeil paradoxal), có nhiều mộng mị ;

- sóng Gamma γ (20 – 45 Hz) : sóng đồng bộ hóa (synchronisation) thường được ghi nhận ở những hành giả lão luyện (có hơn 50 ngàn giờ thiền) đang thiền, sóng γ diễn tả trạng thái bộ óc đang điều hợp những sinh hoạt của nhiều vùng não khác nhau, hoặc nhiều nhóm thần kinh (neurones) khác nhau.

 

Công trình nghiên cứu của 2 bác sĩ Tomio Hirai và Akira Kasamatsu tại Đại Học Đường Tokyo trong vòng 10 năm đã ghi lại điện não đồ trên các hành giả và thiền sư Nhật Bản như sau :

-  Ở giai đoạn 1 : những sóng Alpha (α) xuất hiện, mặc dù mắt những vị này vẫn mở.

-  Ở giai đoạn 2 : biên độ (amplitude), những sóng này trở nên rộng hơn.

-  Ở giai đoạn 3 : những sóng này trở nên  thưa dần (baisse de fréquence).

-  Ở giai đoạn 4 : xuất hiện những sóng Thêta (θ).

 

Những thay đổi trên điện não đồ chứng tỏ sinh hoạt của bộ óc giảm thiểu. Mức độ kích thích giảm xuống đưa tới trạng thái từ an tịnh đến định sâu.

 

Ta có thể nói sóng Thêta (θ) là sóng diễn tả trạng thái tâm Định sâu.  

 

3) SỰ TỈNH GIÁC ĐƯỢC BỪNG SÁNG MẠNH MẼ

 

Tỉnh giác là một trạng thái tâm tỉnh táo, sáng suốt, trong suốt như dòng suối chảy qua các khe núi hay như một bầu trời đêm trong sáng, không một áng mây khiến ta có thể nhìn đến tận những vì sao xa thẳm.

 

Tỉnh giác là một yếu tố rất quan trọng trong thiền, luôn luôn đi chung với chú tâm hay biết (attention, niệm). Ban đầu, nó ẩn trú phía sau chú tâm, nhưng từ từ nó hiện ra phía trước, bao trùm cả chú tâm và làm khung cảnh cho chú tâm làm việc. Không có nó, niệm làm việc trong mờ ảo, không chính xác.

 

Tỉnh giác (sampajañña) là một tên gọi khác của trí tuệ. Mỗi lần tâm xa lìa vọng tưởng để trở về đề mục, tỉnh giác rực sáng lên. Hoặc mỗi lần hôn trầm sắp sửa nhận chìm tâm vào thụy miên, tỉnh giác lôi tâm ra vùng ánh sáng.

 

Trước khi thiền được quan tâm nghiên cứu bởi các nhà khoa học thì sự tỉnh giác chỉ được biết qua khía cạnh u tối, nghĩa là biết các trạng thái suy giảm dần của tỉnh thức : từ hôn trầm đến giấc ngủ nhẹ → giấc ngủ say → gây mê toàn diện → hôn mê.

 

 Đến khi khoa học trầm niệm phát triển thì các nhà nghiên cứu mới biết đến 4 trạng thái trong sáng , tích cực của tỉnh giác : Đó là 4 tầng thiền Sắc Giới. Trong đó sự tỉnh giác đạt đến mức cực độ, “nhưng  ở đây chỉ tỉnh giác về niềm hỷ lạc bất động” (X. Từ Chánh Niệm đến Giác Ngộ, Ajahn Brahm, NXB Phương Đông).

Ngày nay, nhờ những kỷ thuật chụp hình Cộng-Hưởng-Từ chức năng (IRMf), khoa học tâm não phân tách ý thức ra 2 thành phần :

- sự tri giác hay biết về thế giới bên ngoài và thế giới bên trong (perception consciente) ;

- sự tỉnh thức (vigilance, éveil).

 

Điều đó có nghĩa là phải tỉnh thức mới hay biết được (Il faut être éveillé pour être conscient). Phải chăng thiền đã làm phát triển cả hai ?   

  

4) SỰ TẬP TRUNG TƯ TƯỞNG TRỞ NÊN SÂU ĐẬM VỮNG CHẮC

  

Trong khả năng tâm thức của con người đều có yếu tố Định. Nhờ vậy, chúng ta mới có thể định tâm, dù trong tích-tắc đồng hồ, để ghi nhận những hình ảnh, âm thanh được gởi tới từ thế giới bên ngoài, khả năng này nếu không được dùi mài, càng ngày sẽ càng yếu đi, con người trở thành lơ đảng, hay quên. Hoặc trong cuộc sống con người bị điều kiện hóa hoàn toàn bởi máy móc : máy truyền hình, máy điện tính, điện thoại cầm tay, facebook, SMS..., những thứ đó làm bào mòn trí não.

  

Khi chúng ta hiểu thiền là như thế nào thì chúng ta thấy đó là môn thể thao duy nhất của trí não để ngăn ngừa các bệnh tâm thần như bệnh trầm cảm, bệnh mất trí nhớ, alzheimer...

  

Vậy thiền là gì ? Là một việc làm sinh động, tích cực của tâm xuyên qua bốn tác hành :

Trước hết, tâm phải tập trung trên một đối tượng ở trong thân hoặc ở ngoài thân, như hơi thở chẳng hạn.

Một vài phút sau, tâm phóng đi theo những vọng tưởng vì bản chất của nó như những con khỉ hay những con ngựa hoang.

Liền tức khắc tâm phải ý thức điều này (niệm), để buông bỏ và trở về với đối tượng chánh là hơi thở (biết vọng không theo)

(4 tác động của tâm nầy do nhóm nhà tâm-não-học Wendy Hasenkamp, viện đại học Atlanta, khám phá nhờ làm scanner óc não của các thiền gia).

  

Như một nhà thể thao, mỗi ngày phải tập luyện nhiều giờ, mỗi động tác lập đi lập lại hàng ngàn lần ; Thiền gia cũng vậy, phải tập 4 tác động tâm nầy cho thật thuần thục. Có như thế mới trở thành điêu luyện và lần lần tiến đạt tới trạng thái chập định, cận định, an chỉ định của các loại thiền chỉ hoặc quán.

- Chập định (khaṇika samādhi) là trạng thái định dời đổi liên tục trên các đối tượng thân, thọ, tâm, pháp của thiền Tứ Niệm Xứ, khi các đối tượng này xuất hiện rõ rệt nhất trong tâm ở giây phút hiện tại.

- Cận định (upacāra samādhi) là trạng thái tâm vắng lặng an trụ trên đối tượng thiền Chỉ, giờ đây có thể đã được thay thế bởi một hình ảnh tương tợ thật rõ gọi là tợ tướng (paṭibhāga nimitta). Khi tợ tướng xuất hiện thì ta biết là tâm đang ở cận định, có thể sắp nhập vào Sơ thiền.

- An chỉ định hay Toàn định (appaṇā samādhi) là trạng thái tâm chứng đắc các bậc thiền Sắc Giới.

Có 4 bậc :

*Sơ thiền : trong tâm xuất hiện đầy đủ 5 chi thiền : tầm, sát, phỉ, lạc, định ;

*Nhị thiền : tâm chỉ còn phỉ, lạc, định ; 

*Tam thiền : tâm chỉ còn lạc, định ;

*Tứ thiền : tâm chỉ còn định, xả.

Trong 4 bậc thiền này, tâm nhập Toàn định.  

  

5) THIỀN LÀM PHÁT TRIỂN GIÁC QUAN THỨ SÁU (Ý THỨC) VÀ HOÀN THIỆN PHƯƠNG PHÁP NỘI QUÁN

  

Con người sống trong hai thế giới : thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Nhưng bình thường chúng ta chỉ biết thế giới bên ngoài, bởi vì từ sáng đến tối chúng ta bị lôi cuốn ra thế giới bên ngoài qua 5 cửa : mắt, tai, mũi, lưỡi và thân (ngũ căn) và chúng ta cũng không quen hay không biết cách để quay cái nhìn vào bên trong.

  

Thiền là phương cách duy nhất để luyện tập sự nội quán (phản quan tự kỷ) để nhìn, quan sát thế giới bên trong. Thế giới nội tại rất phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố có khi dễ nhận, có khi khó nhận, có khi không nhận được (vô thức).

  

Đức Phật dạy phương pháp Tứ Niệm Xứ là để giúp chúng ta quan sát, nhận diện những yếu tố này. Sự thật, đó là những khía cạnh khác nhau của tâm và là chính đời sống của nó. Tâm có 4 sắc thái :

Sắc thái thuộc cảm tính (thọ,sensation) trong đó bao gồm : cảm giác, tình cảm và cảm xúc.

Có 3 loại cảm giác : dễ chịu, khó chịu, trung tính.

Từ đó, sinh ra 3 loại tình cảm : ưa thích, ghét bỏ, dững dưng.

Cảm xúc chủ yếu có 5 loại chính : vui, buồn, sợ hãi, tức giận, lo âu... (trong đó chỉ có vui là tích cực thôi).

Sắc thái thuộc tri giác (tưởng, perception) : tri giác là khả năng ghi nhớ, hình dung, diễn dịch một hình ảnh, âm thanh, mùi vị, một cảm giác xúc chạm hay một biểu tượng, một tên gọi đã biết từ trước. Trong đó bao gồm :

    Trí nhớ : là hồi tưởng về quá khứ ; *    Tưởng tượng : là dự phóng về   tương lai.

    Tưởng hiện tại : là sự diễn dịch một cảm giác thành ý nghĩa, là nhận diện tên gọi của sự vật, của đối tượng.

Sắc thái thuộc hành động (hành, formations mentales) : Ý nghĩ, lời nói và hành động là kết quả sự làm việc của tâm thức. Trong này ta tìm thấy : ý định, quyết định, suy nghĩ, tính toán. Đối với Phật giáo, sắc thái hành động này rất quan trọng, vì khi tâm hành động với một ý định là nó đã tạo nghiệp, tùy theo ý định này thiện hay bất thiện mà ta sẽ có quả trổ tốt hay xấu.

Sắc thái thuộc nhận thức (thức, conscience) : Đây là những cánh cửa mở vào ý thức trường.

Chúng ta có :

*     Năm thức : nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Năm thức này chỉ hoạt động khi có đối tượng xuất hiện từ thế giới bên ngoài.

*     Ý thức (conscience) : hoạt động khi có cảnh bên ngoài hoặc bên trong, vì cả 5 thức đều được kết nối với ý thức.

*     Vô thức (inconscience) : khi không có cảnh thì tâm chìm vào vô thức để tiếp tục nuôi dưỡng dòng tâm thức. Đây là dòng tâm Hữu-phần hay A-Lại-Da thức.

  

 Khi thiền Tứ Niệm Xứ là chúng ta quay cái nhìn vào bên trong để theo dõi, quan sát những yếu tố thọ, tưởng, hành, thức, đồng thời chúng ta dùi mài ý thức cho thật nhạy bén, tinh tế để làm phương tiện cho sự quan sát.

  

   6) NĂNG LỰC TINH THẦN TRỞ NÊN KIÊN CƯỜNG

 

     Người ta thường lẫn lộn giữa kiến thức và năng lực tinh thần. Những người học cao, bằng cấp lớn là những người có nhiều kiến thức, nhưng chưa chắc họ đã có một năng lực tinh thần mạnh. Điều nầy đã được nhìn thấy rõ ràng trong xã hội : có những người bằng cấp cao, chức vụ lớn nhưng vẫn không chế ngự được những cảm xúc tai hại của mình và có những hành động xấu xa đáng chê trách. Năng lực tinh thần là khả năng làm cho tâm sống và tồn tại. Vi Diệu Pháp có nói đến yếu tố Tâm Mạng Quyền, là một trong bảy tâm sở Biến Hành, nó là một khả năng có sẵn trong tất cả các loại tâm, không có nó tâm không thể nào tồn tại. Tinh thần chỉ hùng mạnh khi tâm ở trong trạng thái an lạc, tỉnh giác, định tĩnh và không có phiền não.

Khoa học ngày nay chưa hiểu rõ lắm năng lực tinh thần phi vật chất nầy, nhưng hiểu rất rõ những yếu tố hổ trợ nuôi dưỡng năng lực tinh thần nầy cũng như những yếu tố làm nó suy yếu. Những yếu tố nuôi dưỡng năng lực tinh thần gồm có :

 

1.-SỰ DINH DƯỠNG:

a/ Dưỡng khí (O2) : não bộ rất cần dưỡng khí để sống. Nó sẽ dừng hoạt động sau 2 phút thiếu dưỡng khí, sau 5 phút thì hết cứu chữa. Bởi thế nên tim ngưng đập vài phút phải làm hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngay.                   

b/ Chất đường, acide lactique, acétone : óc não tiêu thụ năng lượng một cách liên tục : 20 Kcalo mỗi giờ, tuơng đương với 1 cục đường 5g, nghĩa là 120g mỗi ngày. Oxy đốt cháy đường cho ra năng lượng+ nưóc + khí carbonique ( CO2). Nếu thiếu oxy thì những tế bào thần kinh đệm (cellules gliales) sẽ đốt chất đường để cho ra acide lactique, cung cấp cho các tế bào thần kinh để có năng lượng. Trong trường hợp thiếu dinh dưỡng ; nhịn đói lâu ngày, thì các tế bào thần kinh sẽ đốt các chất béo dự trữ để xử dụng chất acétone, một nhiên liệu thấp kém hơn.   

c/ Các acides béo Oméga-3DHA (acide docosahexaénoïque) : là những acide béo thiết yếu, nghĩa là cơ thể con người không chế tạo được, phải ăn nhiều loại cá béo như : maquereau, sardine, espadon, thon, saumon, hareng…(200g cá mỗi tuần) và ốc sò…hoặc ăn các loại dầu thực vật : colza, olive, arachide…Chất Oméga-3 rất cần thiết cho sự phát triển bộ não của thai bào, trẻ em và nó ngăn ngừa sự suy thoái nhận thức ( déclin cognitif) và trí nhớ ở người lớn tuổi. Chất DHA là thành phần chánh của màn tế bào thần kinh, trợ giúp sự dẫn truyền giữa các tế bào thần kinh.             

d/ Những chất chống oxy hóa thiên nhiên (anti-oxydant) : Tất cả các tế bào đều cần oxy để sinh hoạt, nhưng khi tiếp xúc với oxy chúng bị hao mòn từ từ và thúc đẩy tiến trình lão hóa nhanh chóng nhứt là ở não bộ. Do đó chúng ta cần phải ăn những chất ôxy hóa có trong rau quả và trái cây : trái bạch quả (Ginkgo biloba) chóng lại sự thoái hóa và tử vong của các tế bào thần kinh ; các chất polyphénol như resvératrol có trong vỏ nho, trong các trái cây màu đ ; trà xanh ; chất curcumin (nghệ) vừa có tính chống oxy hóa mạnh, chống viêm đồng thời tăng cường hiệu năng của chất BDNF ( Brain derived neurotrophic factor) là chất có nhiệm vụ trong sự phát triển và bảo tồn các tế bào não.

e/ các sinh tố : A,C,E,B9,B12 và D…

 

 2.- GIẤC NGỦ:

Giấc ngủ rất cần thiết cho cả con người và sinh vật, con người bỏ ra 1/3 cuộc đời để ngủ. Trong khi ngủ bộ não ghi lại những điều đáng ghi nhớ, học hỏi lúc ban ngày và tẩy rửa những chất độc sinh ra từ những hoạt động của nó. Nếu không ngủ những sinh hoạt nhận thức bị xáo trộn: sự chú tâm, trí nhớ ngắn hạn suy giảm, tính khí trở nên gắt gỏng, hung hăng, lý luận không hợp lý, sự khéo tay chân và hoạt động cơ bắp cũng suy yếu. (Les pouvoirs cachés de votre cerveau/ John Medina). Nếu tối ngủ không đủ, sáng dậy còn mệt mõi, các nhà khoa học khuyên nên ngủ trưa khoảng 30 phút để lấy lại sức.

 

3.- HOẠT ĐỘNG CƠ THỂ:

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng hoạt động cơ thể có ảnh hưởng tốt trực tiếp đến sức khỏe vật chất và tinh thần. Tổ chức Y Tế Thế giới (OMS) khuyến cáo những người trên 60 tuổi mỗi ngày nên đi bộ 30 phút. Cách đây hơn 2550 năm, Đức Phật và chư tăng đi khất thực mỗi sáng hơn 5-6 cây số, từ chùa đi vào các làng mạc. Những môn thể dục tài chí, khí công, Yoga…đều tốt cả, hoặc thể thao như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, xe đạp đều tốt, với điều kiện phải tập đều đặn và mỗi lần tập phải ra mồ hôi.

Sự vận động làm giảm nguy cơ mất trí tuổi già xuống phân nửa, nguy cơ bịnh Alzheimer xuống 60%, có thể ngăn ngừa bịnh trầm cảm, bịnh lo âu và nhiều bịnh ung thư. Sau 4 tháng luyện tập đều đặn, khả năng tinh thần người già được cải thiện mọi mặt.

 

4.- THIỀN:

Thiền là một môn luyện tập tinh thần tốt nhất với bằng chứng ở Đức Phật và chư vị Thánh tăng đã thanh lọc và giải phóng tâm khỏi mọi phiền não khổ đau. Khoa học cũng đã chứng minh những kết quả tốt của thiền trên năng lực tinh thần.       

a/ Nhờ làm an tịnh tâm nên thiền làm giảm xung ứng (stress) và lo âu : stress là kẻ thù số 1 của năng lực tinh thần. Do đó TS Jon Kabat Zinn đã đưa ra chương trình MBSR (giảm stress bằng tỉnh giác) được áp dụng trên 200 bịnh viện Hoa Kỳ để điều trị cho các bịnh nhân bị xung ứng và đồng thời hướng dẫn các sinh viên, bác sĩ, nhân viên y khoa phòng chống xung ứng.

Nhà khoa học Antoine Lutz và các cộng sự viên đã chứng minh thiền làm giảm phản ứng viêm gây ra bởi xung ứng tốt hơn những chương trình khác xử dụng lâu nay tại nước Mỹ, như dùng thể thao hay âm nhạc trị liệu. Ngoài ra nhóm nghiên cứu ở Harvard đã chứng minh thiền làm ức chế 2000 gènes liên quan với xung ứng, những genes gây ra viêm, làm sản xuất cortisol… làm cho chúng không biểu hiện ra được.

 b/ Thiền phòng chống hiệu quả bịnh Trầm cảm hay còn gọi là suy nhược tinh thần (Dépression nerveuse), đã làm xáo trộn tất cả cơ chế tinh thần, ngay cả trí nhớ, ngôn ngữ, tính toán lý luận, trí khôn lanh lẹ và nhận thức không gian. Ta có thể nói Trầm cảm là 1 bịnh của ý chí, người bịnh không làm gì được cả. Các nhà khoa học đã chứng minh là Thiền có thể làm giảm 50% sự tái phát của bịnh trầm cảm. Do đó năm 1995, nhóm BS Zindel Segal đưa ra chương trình “Điều trị tâm thức bằng tỉnh giác (MBCT)” tại Toronto, Gia Nã Đại. Hiện nay chương trình nầy được áp dụng trên toàn thế giới.

Tại sao thiền có thể ngăn ngừa sự tái phát của bịnh Trầm cảm?

- nhờ sự tập trung tư tưởng trên những đối tượng biết trước, thiền là pháp đối trị trực tiếp của sự lãi nhãi, than van của tâm.

- nhờ luyện tập buông bỏ và Như Lý Tác Ý (khéo hướng tâm) mà những thói quen cũ và những sơ đồ tai hại của tâm bị phá vỡ.

- nhờ trạng thái An, Lạc, Định, Xả của thiền làm cho tâm khỏe mạnh, bình phục.

 c/ Thiền Tứ Vô Lượng tâm (Từ, Bi, Hỉ, Xả) làm phát triển những tình cảm cao thượng để chế ngự những cảm xúc tai hại:

  - Lòng Từ Bi chế ngự  sự sân hận, làm phát triển tình cảm vị tha và thái độ vì xã hội.

  - Lòng Hoan Hỉ chế ngự sự sầu khổ và ganh tị.

  - Lòng Buông Xả chế ngự lo âu, sợ hãi và ngã mạn, cố chấp.

 

5 - SỰ GIAO TIẾP XÃ HỘI:

Phật giáo quan niệm con người có 4 loại thức ăn:

 - Đoàn thực là thức ăn nuôi dưỡng thân thể nói chung bao gồm cả não bộ mà chúng ta đã đề cặp ở phần trên.

  - Xúc thực là thức ăn nuôi dưỡng các giác quan (6 trần nuôi dưỡng 6 căn)

 - Thức thực là thức Tái-sanh nuôi dưỡng danh sắc lúc thụ thai hoặc là thức ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm.

  - Tư (niệm) thực chính là nghiệp nuôi dưỡng sự luân hồi.

Sự giao tiếp xã hội chính là xúc thực, một yếu tố hiệu quả nhứt để kích thích bộ não, để chống lại sự cô đơn của tuổi già. Sự cô lập dễ gây ra trầm cảm, làm mất sự tự tin, làm giảm thể tích của cơ quan hải-mã và vỏ não tiền trán (hippocampe+ cortex préfrontal) là những bộ phận của trí nhớ, của nhận thức và chú tâm. Sự giao tiếp xã hội sinh ra những tình cảm tốt đẹp, sự cảm thông, kích thích sự sản xuất chất ocytocine (là kích thích tố của tình thương) và những chất làm phục hồi thần kinh

(neurotrophines) như chất BDNF đã nói ở trên.

 

Những người lớn tuổi, đa số vì cơ thể mệt mỏi, chân cẳng đau nhức, tai mờ mắt điếc, nên không muốn ra đường, xuất hiện trước công chúng sợ làm phiền người khác hoặc sợ hình ảnh tốt đẹp của mình trước kia bị mất đi. Nhưng càng ít ra ngoài, càng bị cô lập và cơ thể cũng như trí não không được kích hoạt một cách đúng mức.

 

   7) THIỀN LÀM TRÍ NHỚ ĐƯỢC GIA TĂNG

 

Trí nhớ là một khả năng tinh thần khiến ta có thể khơi lại nhửng kỷ niệm hay những điều đã được học hỏi, còn lưu giữ trong tâm não. Trí nhớ được hình thành nhờ 4 tiến trình sau đây :

- ghi nhớ (encodage) ;

-   lưu trữ (stockage) ;

-   khơi lại (restitution) ;

-   quên (oubli).

Trong đó, sự ghi nhớ là quan trọng nhất. Muốn nhớ lâu, sự ghi nhớ phải rõ ràng, khúc chiết và chứa đựng nhiều cảm xúc, cũng như không quên ghi nhận khung cảnh không-thời gian đã trải qua kinh nghiệm đó. Các nhà nghiên cứu thấy có 3 cách ghi nhớ chính là :

- xuyên qua ngữ nghĩa (sémantique), nghĩa là phải hiểu ý nghĩa của đối tượng ;

- xuyên qua âm điệu (phonologique) ;

- xuyên qua hình thức, hình dáng. Thí dụ : khi gặp một người, ta có cảm tưởng là đã quen từ trước, nhưng không, ta chưa từng gặp người này bao giờ, vì ta đã quen một người giống hệt người này. Nếu nhớ ra người đó thì ta sẽ nhận ra là chưa bao giờ quen biết người này.

 

Các nhà bác học chưa qui định được là những kỷ niệm được lưu trữ ở đâu. Hình như chúng được lưu trữ rải rác khắp vỏ não, mỗi vùng não bộ góp phần ghi nhớ chi tiết của một kỷ niệm. Nhưng bộ phận hải mã (hippocampe) giữ vai trò quan trọng trong sự dò thấy sự mới lạ của một biến cố, một nơi chốn hay một kích thích và trong sự hình thành những kỷ niệm mới trong ký ức tự truyện. Sau khi được củng cố, những kỷ niệm dần dần được chuyển đi lưu trữ ở một nơi khác.

 

Có nhiều loại trí nhớ :

-Trí nhớ ngắn hạn : ngày nay có tên là Trí nhớ hành sự (mémoire de travail) trong đó bao gồm trí nhớ giác quan (mémoire sensorielle) rất ngắn ngủi, mắt lưu giữ hình ảnh chỉ trong 250-500 phần ngàn giây, tai lưu giữ 2-10 giây.

-Trí nhớ dài hạn, gồm có :

 *Trí nhớ minh hiển (mémoire déclarative) : trong đó có : trí nhớ giai đoạn (mémoire épisodique) hay còn gọi trí nhớ tự truyện (mémoire autobiographique) ghi lại kỷ niệm của một khoảng sống nào đó của mình, và trí nhớ ngữ nghĩa (mémoire sémantique) ghi lại ý nghĩa của các từ ngữ của các câu văn ;

 *Trí nhớ ẩn thị : như nhớ những cử chỉ trong bơi lội, thể dục ..., nó còn có tên trí nhớ trình tự (mémoire procédurale) ;

 *Siêu trí nhớ (métamémoire) : giúp chúng ta biết toàn diện những kiến thức của mình để tránh phải tìm kiếm những gì mình không biết.

Trước khi trở thành trí nhớ dài hạn, trí nhớ ngắn hạn cần phải được củng cố, lập đi lập lại nhiều lần, đều đặn và cách khoảng. Đây một định luật cho sự học hỏi, luyện tập.

 

Muốn ghi nhớ một cách chắc chắn, trước hết phải nhờ tới các giác quan thu nhận những tín hiệu (informations) từ thế giới bên ngoài (5 căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Những tín hiệu này liền bị não bộ phân tích, so sánh với những tín hiệu đã được ghi nhận từ trước, pha thêm màu sắc của tình cảm, của bối cảnh không-thời gian trong giây phút hiện tại.

 

Theo Tâm Lý học Phật Giáo, muốn có được 6 thức một cách rõ ràng, chính xác, thì phải có những điều kiện sau đây :

chú tâm tỉnh giác ;

có đối tượng (6 trần);

6 căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) phải toàn vẹn, không hư hỏng ; mỗi căn có điều kiện đặc biệt của nó, như :

   - ánh sáng đối với nhãn căn (mắt không nhìn thấy trong đêm tối)

   - không gian đối với nhĩ căn (âm thanh không truyền được trong chân không)

   - chất ở thể khí đối với tỷ căn,

   - chất hòa tan trong nước đối với thiệt căn,

   - chất có đặc tính cứng/mềm nóng/lạnh đối với thân căn,

   - năng lực tinh thần đối với ý căn (énergie mentale).

Khi hội đủ 4 điều kiện trên thì một trong 6 thức sẽ xuất hiện.

 

Thiền làm cải thiện sự chú tâm tỉnh giác, đồng thời làm tăng cường năng lực tinh thần, nên có ảnh hưởng tốt đẹp trên trí nhớ, nhất là trí nhớ ngắn hạn. Sau đó, mỗi lần củng cố trí nhớ ngắn hạn thì công việc ‘ghi nhớ’, ‘lưu trữ’, ‘khơi lại’ bắt đầu trở lại cho đến khi nó trở thành một kỷ niệm chắc chắn, lâu bền.

Đồng thời, Thiền giúp chúng ta chọn lựa, sàng lọc, làm quên đi những kỷ niệm không cần thiết, không hữu ích cho cuộc sống, làm xóa tan những thói quen tai hại, những xu hướng xấu xa, những cố chấp ngã mạn, giúp con người vững tiến trên con đường hướng thiện giải thoát.

 

   8) SỐNG TRONG HIỆN TẠI MỘT CÁCH AN VUI (SỐNG THIỀN)

 

Trong bài kinh Đại Niệm xứ (Trường bộ kinh 22), Đức Phật lập đi lập lại nhiều lần «như vậy vị ấy sống quán thân trên thân (quán Thọ, Tâm, Pháp)...nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời». Cũng trong bài kinh nầy, Đức Phật dạy chúng ta có thể thiền trong 4 tư thế : đi, đứng, ngồi, nằm và cũng có thể thiền trong bất cứ sinh hoạt nào của đời sống : ăn, uống, làm việc, mặc quần áo, đại tiện, tiểu tiện...

Như vậy Đức Phật có ý muốn dạy chúng ta là phải áp dụng thiền vào cuộc sống vì thiền có thể được thực hành bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, với mọi tình huống trong cuộc sống. Để có thể đem thiền vào cuộc sống, các thiền sư dựa vào chú giải có nêu lên 4 chi của Tỉnh Giác :

a. /Tỉnh giác về mục đích (Sàtthaka sampajanna) : nghĩa là phải hiểu biết rõ ràng mục đích việc mình đang làm. Mục đích của thiền là khám phá và tìm hiểuThân Tâm, Làm thuần hóa Tâm, đồng thời giải trừ phiền não và giải thoát Tâm khỏi mọi khổ đau. Nếu không biết rõ mục đích hành động và lời nói của mình có nghĩa là mình làm, nói trong vô minh, hoài nghi và sẽ dễ dàng đi sai lạc với ý định ban đầu.

b./ Tỉnh giác về những điều kiện thích hợp (Sappàya sampajjanna) : trong đời sống chúng ta bị lệ thuộc rất nhiều điều kiện : không gian, thời gian, phương tiện...cho nên phải biết « tùy duyên thuận pháp », nghĩa là phải biết thích ứng với những điều kiện và khôn ngoan chọn lựa những phương tiện tốt nhứt để thực hiện mục đích. Chẳng hạn khi chúng ta khát thì phải tìm nước uống ; nếu mỡ tủ lạnh lại thấy món gì đó ngon quá mà lấy ăn , là chúng ta thiếu tỉnh giác về phương tiện. Trong thiền chúng ta cũng cần nhiều điều kiện :

-  như một khung cảnh yên tịnh,

-  một trú xứ không có nhiều chướng ngại nghiệt ngã về thời tiết mưa nắng, muỗi mòng…

-  một vị thầy giới đức, có pháp học đầy đủ,có kinh nghiệm trong pháp hành, nếu đã chứng đắc các tuệ giác thì quá lý tưởng,

-  và những người đồng tu có chánh niệm, tỉnh giác biết tôn trọng sự yên lặng của kẻ khác.

 c./ Tỉnh giác về lãnh vực (Gocara sampajjanna) : điều nầy có thể được hiểu là biết rõ lúc nào chúng ta đang ở trong thiền và lúc nào đã xuất thiền. Ở trong thiền có nghĩa là chúng ta không rời xa đề mục và trong tâm vẫn có đủ 3 yếu tố : nhiệt tâm, chánh niệm, tỉnh giác. Đề mục có thể dời đổi liên tục qua thân thọ tâm pháp, nhưng tâm quan sát vẫn theo dõi tiếp nối. Trong đời sống điều này giúp ta tập được sự liên tục trong lời nói hay hành động, không bỏ dở, bất nhất, nói trước quên sau hay nói lạc đề.

d./ Tỉnh giác về thực tại không ảo kiến (Asammoha sampajjanna) : có nhiều người khi nói chuyện với họ, chúng ta thấy họ nói «trên trời dưới biển » hay những chuyện «lông rùa, sừng thỏ » không phải họ nói dối vì họ thành thật tin như vậy. Tỉnh giác về thực tại nghĩa là biết sự vật đúng như nó là như vậy, không qua lăng kính ngã chấp, không theo nhãn quan tình cảm, một cái nhìn chân thật  chánh kiến».

Thường thường chúng ta nhìn sự vật bằng con mắt chủ quan hay qua lăng kính tình cảm, bởi vì «cái ta» bao giờ cũng có mặt: chính tôi đã thấy, đã cảm nhận, đã suy nghĩ… cái tôi đã ăn sâu tận tim óc từ bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Muốn phá vỡ cái ngã kiến này, phải cần nhiều thời gian thực hành, quan sát tới quan sát lui những hiện tượng của thân tâm xẫy diễn tự nó mà không có sự can thiệp của tự ngã, cho đến một ngày chúng ta nhận ra rằng chúng chỉ là những diễn trình vô ngã: sanh lên, có mặt một thời gian rồi biến mất. Lúc đó cái quan kiến tự ngã, ta, của ta bị bẻ gãy. Hãy nghe nhà tâm lý học William James, cha đẻ của nền tâm lý học hiện đại, tường trình kết quả của những nội quán của ông «riêng về phần tôi, khi tôi thâm nhập sâu vào cái mà tôi gọi là «cái tôi», tôi luôn luôn đụng phải một cảm giác đặc biệt như là nóng hay lạnh, sáng hay tối, đáng ưa hay đáng ghét, vui hoặc buồn. Tôi chưa bao giờ gặp được “cái tôi” ngoài những cảm giác ấy và chưa bao giờ trải nghiệm được cái gì khác hơn là các cảm giác… »(Principles of Psychology, page 351) Khi một nhà khoa học quan sát với một tinh thần khách quan mẫu mực, ông gặt hái cùng kết quả với một thiền gia nội quán với tính cách vô ngã, cả hai đều xử dụng sự Tỉnh Giác về thực tại.            Khi chúng ta sống với 4 sự tỉnh giác này, thì cuộc sống trở nên an vui tự tại, như nhà tỳ khưu của Đức Phật «…sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời ». Đó là chúng ta «sống thiền» một cách liên tục vậy.

 

   9) THIỀN CÓ KHẢ NĂNG CHUYỂN HÓA TÂM

 

Chuyển hóa là làm thay đổi từ xấu ra tốt. Tốt là thiện lành. Về phương diện đạo đức, Tâm lý học Phật giáo đưa ra 5 tiêu chuẩn bao gồm trong điều Thiện như sau :

   1./ lành mạnh, không phát sinh từ các phiền não

   2./ có ích lợi ( cho cá nhân và tập thể)

   3./ có tính cách khôn ngoan, sáng suốt

   4./ không làm cho ai phiền trách được

    5./ có kết quả là an lạc, hạnh phúc.

Nhờ sự học hỏi và hiểu biết bằng trí văn va trí tư, chúng ta cũng phải biết phân biệt thế nào là thiện / ác đúng / sai, là hữu ích / vô ích, là khôn ngoan / ngu dại, thế nào là đau khổ / an vui, là phiền não / bồ đề.

Sau đó nhờ thiền Tứ Niệm Xứ làm phát triển khả năng quán niệm, giúp chúng ta nhận diện bản chất của sự vật là không thật, là vô thường, khổ, vô ngã, nó giúp chúng ta nhận diện niềm đau nổi khổ của con người, nó giúp chúng ta nhìn thấy mục đích thật sự của đời sống là để trả quả cũ và tạo nghiệp mới, chỉ khi nào tẩy hết nghiệp quả thì mới hết khổ được.

Sau khi đã nhận chân được sự thật ở đời, đây là lúc chúng ta phải thay đổi, phải chuyển hóa để giải thoát. May thay thiền cũng giúp chúng ta rèn luyện Như Lý Tác Ý, đây là một khả năng của tâm, xãy ra ngay lúc 6 căn tiếp xúc với 6 trần, trước khi tâm hành động để tạo nghiệp, nó chuyển hướng tâm đến một đối tượng khác, hoặc thay đổi trong tích tắc thái độ trước một đối tượng, từ một thái độ hung dữ sang hiền thiện, từ một thái độ sai trái sang chính đáng cho dù đối tượng có xấu xa nghiệt ngã. Đây là chìa khóa của sự chuyển hóa tâm linh, là bí quyết của sự chuyển đổi nghiệp cần phải rèn luyện dùi mài.

 

 

   10) TRÍ TUỆ GIẢI THOÁT ĐƯỢC PHÁT SINH :

 

Nguyên ủy của đời sống là Vô Minh và Ái Dục. Ái Dục là một phiền não, lậu hoặc. Vô Minh là một tà kiến. Vì có Vô Minh nên Ái Dục mới sinh lên. Sự cấu kết của 2 thủ phạm nầy đã được Đức Phật khám phá ra trong đêm ngài đạt đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội bồ đề. Sau khi đắc đạo ngài tuyên bố : «xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai lang thang đi tìm, đi tìm mãi mà không gặp người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống thật là khổ sở. Nầy hởi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho ta nữa : tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục».

Đức Phật đã trình bày tiến trình xây cất  «nhà của ta» qua định luật Tùy thuộc phát sinh hay định luật Thập nhị nhân duyên, trong đó Vô minh là nhân duyên đầu tiên và Ái dục là nhân duyên thứ tám trong một chuỗi liên hoàn các nhân tố không thể tách rời.

Vô minh là sự thể hiện của nhân Si. Vô minh là mặt nổi còn Si là mặt chìm. Khi ta  hành động với tham, sân, si, với tâm bất thiện, là chúng ta đã bị Vô Minh chi phối.

Trong Pháp học nói chung Vô Minh là không biết cái đáng biết và biết cái không đáng biết.

-Cái đáng biết là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tái sanh, Luân hồi, Nghiệp quả, Nhân

Duyên, Pháp Thiền để dẫn tới giải thoát. Với Pháp học chúng ta có thể tìm hiểu những điều nầy.

-Cái không đáng biết như trí tuệ của Đức Phật, năng lực của thiền định, Thượng Đế toàn năng, nguyên ủy của vũ trụ…

Trong Pháp hành Vô minh là không biết những cái xãy ra trong thân tâm của mình, là trạng thái không sáng suốt, mù mờ diễn tiến của tâm trên hoài nghi, phóng dật và hôn trầm. Thiền luyện tập Tầm, Tứ để đối trị Hôn trầm và Hoài nghi. Khi Chánh niệm Tỉnh giác phát triển tiêu trừ được Hôn trầm, Thụy miên và khi Định tâm phát triển tiêu trừ được Phóng dật. Ta có thể nói Thiền là phương tiện hiệu quả để diệt trừ Vô Minh.

Ta trở lại định luật «Thập Nhị Nhân Duyên» để tìm hiểu tại sao Thiền có thể diệt trừ Ái Dục.

Thập Nhị Nhân Duyên là 12 khoen xích trói chặt con người trong vòng sanh tử luân hồi : Vô Minh => Hành => Thức => DanhSắc => Lục Nhập => Xúc => Thọ => Ái => Thủ => Hữu => Sanh => Lão & Tử ( => Vô Minh…).

Hai mắt xích giữa THỌ và ÁI là quan trọng nhất vì chúng có thể giúp ta bẻ gãy bánh xe luân hồi :

*Thọ là cảm giác xuất hiện khi 6 Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với 6 Trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Thọ có thể dễ chịu, khó chịu hoặc trung tính.

*Ái là sự ước muốn, thèm khát, tham lam. Chúng ta thèm khát 6 trần. Chúng ta muốn chúng êm ái, dễ chịu theo ý thích của mình. Ái lại tùy thuộc vào Thọ cảm nhận trước đó. Nếu cảm giác dễ chịu, ta cảm thấy ưa thích và muốn có nhiều hơn nữa. Nếu cảm giác khó chịu, ta muốn thoát khỏi sự khổ sở ấy và tham muốn một thọ lạc thay thế nó. Nếu nó trung tính, có tính chất bình lặng, nó cũng có thể trở thành một đối tượng ham muốn.

Thọ khổ đưa tới sân hận, ghét bỏ. Tham hay Sân đều đưa tới dính mắc (THỦ) và tạo nghiệp (HỮU). Một đàng tạo nghiệp tham (trộm cướp, lường gạt, gian lận, tham nhũng, hối lộ, độc quyền), một đàng tạo nghiệp sân (oán hận, chửi rủa, đánh đập, đàn áp, chém giết, tiêu diệt)

Cả hai đàng đều dẫn vào luân hồi (SINH). Sinh là nhân duyên để đưa tới LÃO TỬ. Rồi cứ như thế vòng luân hồi lại tiếp diễn.

           

Tại sao Thiền có thể cắt đứt gạch nối giữa hai móc xích Thọ và Ái ?

 

Nhờ chánh niệm tỉnh giác, hành giả ghi nhận được cảm thọ mỗi khi có sự tiếp xúc giữa giác quan và trần cảnh, có thể là một cảm thọ dễ chịu hoặc khó chịu (niệm thọ). Cũng nhờ chánh niệm tỉnh giác, ta ghi nhận được tâm tham hay tâm sân phát sinh liền sau những cảm thọ nầy(niệm tâm). Thói quen tự động của tâm là mỗi lần có tâm tham hay tâm sân, nó nãy sanh liền một ý định để thực hiện. Tùy theo tâm tánh và tập khí của mỗi người, những ý định này có thể cao thượng hay xấu xa mà khi thực hiện nó trở thành những nghiệp thiện hoặc nghiệp ác tày trời. 

Thiền là phương cách duy nhất để phá tan những thói quen tự động của tâm, ngăn chận một hành động sai trái,  một xu hướng xấu xa, tiêu trừ một xung động (impulsivité)hay những sơ đồ tâm thức bịnh hoạn tai hại, cứ lập đi lập lại trong đầu làm trói chặt con người trong vòng đau khổ sầu hận. Nhờ vậy thiền có thể giúp điều trị một số bịnh tâm thần hay một số thói quen nghiện ngập. Một định luật của tâm (xãy diễn trong lộ trình tâm) là sau tiến trình tri giác thì lập tức tới tiến trình hành động.

Sau khi tri giác đã nhận diện được tâm tham hay tâm sân sinh khởi, qua tới tiến trình hành động, người có tu thiền sẽ không hành động máy móc theo thói quen trước đây mà sẽ thay thế bằng sự quan sát diễn trình của chính cái tâm tham hay sân này (niệm tâm) và thấy tự nó sẽ biến mất như tất cả những diễn trình tâm khác : xuất hiện, chuyển biến và mất đi. Do đó hành giả tránh được những hành động tai hại (nghiệp) gây ra do tâm tham hay tâm sân nầy với những hậu quả khó lường. Đây là Trí Tuệ giải thoát thấy được sự xuất hiện của các tâm bất thiện, thấy được sự sanh diệt của chúng và biết cách hành xử để thoát khỏi sự chi phối của chúng nhờ Như Lý Tác Ý chuyển hướng tâm qua một thái độ thiện lành.

Nếu không có ÁI hay SÂN sẽ không có THỦ, HỮU và không có SINH. Như vậy tiến trình sinh tử luân hồi sẽ bị cắt đứt.

 

KẾT LUẬN

 

Đây chưa phải là danh sách đầy đủ về những lợi ích tinh thần và tâm linh của thiền. Khoa học còn hứa hẹn nhiều nghiên cứu mới : về ảnh hưởng của nhiều loại thiền khác nhau trên thân tâm con người, về ảnh hưởng của thiền trên những biểu hiện của các gènes trong những bịnh kinh niên (épigénétique, biểu sinh), ảnh hưởng của thiền trên tâm thức xã hội hầu tiến tới một xã hội an bình hài hòa như ước vọng của thiền sư Maharishi Maheshi (1917-2008) « hãy mỡ cánh cửa giải thoát cho mọi người để đem lại hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng hầu chế ngự thái độ tiêu cực trên thế giới ». Riêng đối với hành giả, kho tàng kinh điển Phật giáo chưa khám phá hết, những kinh nghiệm hành đạo chưa khai triển đúng mức, với sự dốc công dùi mài chúng ta sẽ dần dần khám phá những chân trời mới, chân trời của tự do và hạnh phúc tuyệt đối.

 

Nguyễn tối Thiện 

(Hội Y sĩ tại Pháp) 

 

THƯ MỤC

 

1.- Đức Phật và Phật Pháp: Nàrada Maha Thera, Phúc Tuệ Tịnh môn,1971

2.- Sự tích Đức Phật Thích Ca : Trần hữu Danh, NXB Tổng hợp TP HCM

3.- Pháp Hành Thiền Định : Tỳ Khưu Hộ Pháp, NXB Tôn giáo, 2013

4.- Tâm Sở (Cetasikas) Môn Tâm Lý và Triết Học PG, Nguyễn văn Sáu, NXB Tôn giáo

5.- Biết và Thấy : Thiền sư PA-AUK Sayadaw, Viên Không, PL 2549

6.- Bản đồ Hành Trình Tâm Linh : TS Sayadaw U JOTIKA, NXB Tôn giáo

7.- Vi Diệu Pháp Nhập Môn : Tỳ khưu Giác Chánh, NXB Tổng Hợp TP HCM

8.- Lợi ích sinh học của thiền, BS Nguyễn Tối Thiện,

https://thuvienhoasen.org

9.- Giáo trình Vi Diệu Pháp : Lê Quí Hùng, Nhóm nghiên cứu và thực hành Phật Pháp Paris 

10.-Le cœur de la méditation bouddhiste, Nyanaponika Thera, Librairie d'Amérique et d'Orient, Paris

11.-Les Quatre fondements de la pleine conscience, Henepola Gunaratana, Poche Marabout

12.-Zen et Self-control : Ikema et Taisen Deshimaru, Albin michel

13.-Méditer, c'est se soigner : Dr Frédéric Rosenfeld, Les Arènes

14.-Le cerveau : Pr Bernard Sablonnière, Jean Claude Gawsewitch

15.-Les pouvoirs cachés du cerveau : John Medina, Leduc.s

16.-Le cerveau funambule, Jean Philippe LACHAUX, Odile Jacob

17.-Le régime de santé/ Serge Renaud, Odile Jacob

18.-Cerveau & Méditation : Matthieu Ricard, Wolf Singer,Allary Éditions 19.-Science,Méditation et Pleine conscience : Olivier RAURICH, Jouvence.

20.-Manuel de méditation selon le bouddhisme Theravada, Ajahn Brahm, Éditions Almora.