Chốn vắng (No man's land)

 

Chốn vắng

(Terre des oublis)

 

Hồi nhỏ, Miên đã chứng kiến những cuộc vận động thanh nữ kết hôn với thương phế binh sau cuộc chiến tranh chống Pháp. Lúc đó, chị đang còn ở làng quê cũ, cha chị còn sống và mặt trời còn tỏa rạng trong mái nhà của họ. Hàng xóm kề nhà Miên là một cặp vợ chồng già chuyên nghề đẽo đá. Họ có cô con gái mười chín tuổi tên là Hiền. Hiền là phó bí thư chi đoàn thanh niên nên khi huyện ủy phát động phong trào xung phong kết hôn với thương phế binh để đền ơn đáp nghĩa những người có công với tổ quốc cô giơ tay trước tiên.

... Chị sắp làm vợ một thương binh. Gia đình chị sắp được đền ơn đáp nghĩa tổ quốc...

Hiền bảo cô bé Miên như thế và hứa hôm làm lễ thành hôn sẽ đưa Miên theo...

... Em sẽ tha hồ xem. Nghe nói hội trường huyện treo đèn kết hoa đẹp lắm. Chị em mình sẽ được đi trên thảm nhung đỏ, nhung thật chứ không phải thứ vải láng giả nhung của cô thợ may bên xã Lý hòa đâu...

Hai chị em cười sung sướng, mơ ngày được bước trên thảm nhung.

 

Hai tuần sau, đúng ngày được thông báo lên huyện nhận chồng, Hiền đã giữ lời hứa dẫn Miên đi theo. Trong xã cũng có vài thanh nữ khác cùng xung phong một lần với Hiền. Họ ăn cơm từ mờ sương, rồi dắt díu nhau đi. Khoảng non bảy giờ sáng tất cả đến huyện. Ðúng như Hiền đã nói, huyện đường treo lồng đèn kết hoa đỏ. Hành lang giăng từng dãy cờ đuôi nheo và các giải phướn ngũ sắc. Gió thổi cờ phướn bay phất phới khiến huyện đường giống sân đình ngày hội. Những phụ nữ và thanh nữ tình nguyện kết hôn với thương phế binh được mời lên ngồi hàng ghế danh dự phủ nhung đỏ. Lễ tân mặc quần áo trắng áo dài bưng các khay bánh kẹo và nước trà mời từng người. Âm nhạc nổi lên. Sau lễ chào cờ bí thư huyện ủy đọc một bài diễn văn dài đặc. Cô bé Miên lúc đó nắm chặt trong tay những chiếc kẹo bọc giấy bóng xanh đỏ đến nỗi chúng chảy nước ra mà không dám bóc ăn. Chẳng hiểu bài diễn văn kia nói gì, nhưng không khí trang trọng lạ lẫm khiến cô sợ hãi. Miên chờ ông bí thư huyện kết thúc bài diễn văn để bóc kẹo ăn. Nhưng khi ông ta vừa đi xuống bà chủ tịch huyện Hội phụ nữ đã bước lên diễn đàn. Bài diễn văn của bà còn dài hơn nữa. Hết bài diễn văn đó, một đoàn thiếu nhi theo tiếng trống tiến vào, mỗi em ôm một bó hoa để tặng những người tình nguyện, họ sắp trở thành vợ mãn đời của các phế binh. Tiếng trống đập ầm ầm giữa hai hàng cột kết hoa đỏ, vang lên tận vòm trần như muốn khuấy động không gian và làm nao nức lòng quả cảm. Lúc đó, Hiền đưa tay nắm chặt tay Miên. Cô thấy bàn tay người thanh nữ lạnh toát, run run. Khi tiếng trống nhỏ dần, người ta chuyển những chiếc cáng phủ chăn hoa sặc sỡ từ căn phòng phía sau sảnh lớn. Các phế binh nằm trên cáng, chìm lút dưới tấm chăn, chỉ nhô lên cái đầu và cặp vai. Mặt anh nào cũng được thoa phấn hồng và môi to son đỏ. Bà chủ tịch huyện hội phụ nữ tuyên bố rằng các cán bộ huyện đã nghiên cứu kĩ lưỡng. Vì thế, việc mai mối sẽ dựa trên các cơ sở chắc chắn và hợp lý tùy lứa tuổi, hoàn cảnh gia đình và tính tình các cá nhân.

Ðoạn, bà rút trong chiếc túi dết đeo bên hông bản danh sách, sang sảng đọc... Chị Hiền được gả cho một phế binh hơn chị ba tuổi ở cách hai xã. Anh ấy mồ côi nên chị được quyền đón chồng về nhà mình. Lúc đó, Miên thấy Hiền tái nhợt. Chị đứng túm lại với đám bạn gái. Các chị cũng tái nhợt như vậy, người nọ đưa mắt lơ láo nhìn người kia. Một bàn tay Hiền bấu chặt lấy cánh tay Miên. Cứ như thế cho tới lúc bà chủ tịch huyện hội đọc:

- Ðào Thị Hiền...

Hiền giật bắn lên, không nói được lời nào. Bà chủ tịch tươi cười tiến đến, dắt tay Hiền tới nhận chiếc cáng định mệnh:

- Ðây... Người của em đây... Tôi hy vọng em sẽ vui lòng đền ơn trả nghĩa người chiến sĩ đã hiến dâng đời mình cho đất nước...

- Dạ... Em vui lòng...

Miên thấy chị lắp bắp đáp lại. Sau đó người ta khiêng cáng lên một chiếc xe Jep. Hiền dắt Miên theo. Chiếc Jep đưa họ về tận làng. Người phế binh đã tháo khớp hai bên háng và cánh tay trái. Tay phải cụt tới nửa cùi chỏ. Anh giơ chiếc cùi chỏ ấy lên, lúc chạm vào Hiền, lúc chạm vào Miên, thay cho cử chỉ vuốt ve hoặc tỏ bày tình thân thiện. Trên chuyến xe đó, họ mới nói với nhau những lời đầu tiên...

Kỉ niệm tuy xa nhưng chẳng phai mờ. Cho tới ngày cha mất và mấy chị em phải rời xa làng ra đi Miên thường vẫn sang chơi với Hiền. Người con gái ấy đã chấp nhận cuộc sống lứa đôi theo tinh thần tuẫn đạo:

- Này Miên, hôm nay anh ấy đã ăn được bát cơm. Khi nào anh ấy ăn thêm được lưng cơm nữa là chị yên tâm. Ông lang bên xã Lý Hòa chiều qua sang chơi thăm bệnh bảo chị rằng cái đó còn nguyên. Mai rày chị cũng kiếm được đứa con...

Một lần Hiền mừng rỡ khoe với Miên như thế. Lúc ấy, Miên còn nhỏ, chị chưa thể hiểu rõ tường tận câu chuyện giường chiếu của Hiền. Sau này, tưởng tượng tới cảnh ấy, Miên vẫn thường rùng mình xa xót cho người hàng xóm... Bây giờ, chị không ngờ một thứ quả đắng tương tự rơi trúng vào mình:

Dẫu sao, ta cũng còn may mắn hơn Hiền. Bôn đã từng là chồng ta và anh ấy còn nguyên vẹn chân tay...

Miên hình dung lại cặp mắt mịt mờ của cặp vợ chồng người thợ đẽo đá khi nhìn chiếc băng-ca phủ kín chăn được khiêng vào nhà. Và gương mặt Hiền lúc lật tấm chăn lên:

Dẫu sao ta cũng còn may...