Sau cuộc biển dâu

Đầu năm 2018, nhà văn Phạm Tín An Ninh cho ra đời đứa con tinh thần thứ tư của ông.  Tên tập truyện (Sau Cuộc Biển Dâu) lấy từ tựa một truyện ngắn rất cảm động được in trong sách. Ý nghĩa này còn bàng bạc trong hầu hết nội dung tập truyện mà tác giả muốn gởi tới độc giả.

 

Ở trang đầu, thay vì những lời Tựa, lời Nói Đầu như thông lệ ở nhiều cuốn sách khác, người ta chỉ đọc được vỏn vẹn hai câu thơ của nhà thơ Tô Thùy Yên, cũng là một người bạn tù của tác giả.

 

Đây chút rượu hồng xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này.

 

Dường như tác giả muốn mượn hai câu thơ (trích từ bài thơ Ta Về) này để gởi gấm nỗi niềm không chỉ của riêng mình mà của cả những nhân vật trong các câu chuyện trong sách.

 

Ở trang bìa sau, người ta cũng không tìm thấy bất cứ  hình ảnh hay một dòng lý lịch nào của tác giả, ngoài một đoạn đối thoại ngắn được trích từ một truyện khác in trong sách:

 

… tôi vẫn muốn giữ lại quá khứ buồn thảm ấy cho riêng minh, cứ sợ chia sẻ với người khác thì mình chẳng còn lại cái gì hết. Nhưng rồi những nỗi niềm ấy ngày càng đè nặng trong lòng, đau đớn như những vết thương không bao giờ lành được. Tôi cần phải được giải tỏa, nói ra cho vơi bớt. Vả lại, chẳng lẽ tôi cứ phải sống như “những con chim ẩn mình chờ chết” hay sao…

 

Có lẽ tác giả  muốn mượn lời của một nhân vật trong truyện để nói lên tâm sự của riêng mình.

 

Trong lời bạt ở cuối tập truyện, Giáo sư Nguyễn Phụng, một độc giả rất mến mộ tác giả đã có nhận xét:

 

“ Khi viết, tác giả bình tâm, để cuộc sống lắng xuống thật sâu và lắng nghe tiếng nói con tim mình, con tim của cả ngàn vạn người lính chiến đã ngã xuống hay đang sống đâu đó trên xứ lạ quê người và con tim của bao nhiêu mẹ già, vợ hiền, trẻ thơ thổn thức vì đau thương do cuộc chiến gây nên. PTAN không hò hét, ồn ào; mỗi dòng chữ của tác giả là dòng nước mắt vô hình và lời an ủi vô thanh chia sớt và thoa dịu nỗi đau triền miên của cuộc chiến.

 

PTAN nối gót Nguyễn Mạnh Côn đem tâm tình viết lịch sử. Nhưng khác với Nguyễn Mạnh Côn, PTAN chỉ nhắm vào một góc cạnh, đó là người lính chiến Miền Nam — người lính chiến đấu trong hoàn cảnh nghiệt ngã, khó khăn, chiến đấu để bảo vệ giá trị con người của chính mình và của mọi người khác. Giá trị này vượt lên trên lẽ thắng bại và sẽ không bao giờ bị mờ nhạt dù kẻ thắng cuộc đang bóp méo và cố tình bôi xóa lịch sử.                         

 

Với bản tính khiêm nhường,  PTAN chỉ nhận mình là một người kể chuyện chứ không phải là nhà văn. Sự từ chối này có lý do thực tại, vì dù sao ông là một người lạc vào lịch sử và nghệ thuật vì thời cuộc. Tuy nhiên, từ thuở sơ khai và trong nhiều xã hội, văn chương bắt nguồn từ kể chuyện; và khi chữ viết thịnh hành, người biết sắp xếp câu chuyện cho thứ lớp và trình bày các diễn biến lôi cuốn được người nghe thường là những nhà văn lớn.  

 

Không nhận mình là một nhà văn cầm bút chủ yếu vì nghệ thuật (écrivain) nhưng tác giả là một nhà văn viết lách với một sứ mệnh (écrivant), nghĩa là dùng văn chương như một phương tiện để nói lên những điều cần nói. Tuy chưa một lần nói rõ ra điều cần nói đó (và chắc sẽ chẳng bao giờ nói lên với cường điệu hay thậm xưng), nhưng PTAN đã nói rất nhiều: những dòng chữ chân tình của tác giả đẫm ướt tình yêu quê hương đất nước.. Và giờ đây, Mẹ Việt Nam đang trên giường bệnh, đang chiến đấu mỏi mòn với cơn bạo bệnh ngặt nghèo. Mẹ Việt Nam sẽ chóng bình phục và may ra sống còn nếu ai đó tập nói lại tiếng nói tình yêu quê hương đất nước.”

 

 Tất nhiên, việc đánh giá một tác phẩm văn học hay từ những tác phẩm ấy mỗi người vẽ ra chân dung tác giả theo tưởng tượng của riêng mình, sự đồng cảm vẫn là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất.

 

Vì vậy đọc Sau Cuộc Biển Dâu, không chỉ để cùng chia sẻ cảm xúc với tác giả mà chúng ta sẽ thấy gần gũi hơn và càng mến mộ hơn người lính Phạm Tín An Ninh, cả khi ông cầm súng lẫn khi ông cầm bút.

 

Đầu năm 2018

Hà Nguyên Vy