Tiếng dương cầm

  

 

 

 

 

 

Tiếng dương cầm - Chương 16


PHƯƠNG LAN 


      Khi Đạt và tôi bước ra khỏi nhà ông Đèo Mân thì mặt trời đã xế ngang đầu, đổ bóng những hàng cây chạy dài. Đưa tay cho tôi vịn, Đạt đưa tôi trở ra xe, mở cửa cho tôi xong, hắn ngồi vào chỗ tay lái. Tôi tựa người vào thành ghế và phồng ngực hít thở không khí, tôi nhắm mắt lại khi nghe Đạt hỏi: 

- Sao cô đã biết hết những thứ cô cần biết chưa?

Đạt vừa nói vừa rồ máy xe, vẫn nhắm mắt, tôi trả lời:

- Rồi!

Tôi biết Đạt chờ để nghe tôi nói thêm, không phải chỉ cộc lốc một câu ngắn ngủi như thế, nhưng thật quả là tôi không biết phải nói gì.

- Rồi bây giờ cô tính sao? ông Đèo Mân đã cho cô biết đầy đủ chi tiết về gia đình đó, nhưng tôi chẳng thấy có ích lợi gì hết vì chả có liên quan gì đến câu chuyện cô nói với tôi là mẹ con bà ta định giết cô cả!

- Tôi có kể chắc anh cũng không tin tôi đâu.

- Cô cứ kể đi!

- Được rồi, tóm tắt câu chuyện bác Đèo Mân vừa kể, thì người đàn bá góa trẻ đẹp và những đứa con của bà ta đã sống ở đó trong thời gian bác Mân làm việc cho họ khoảng mười năm về trước, bà ta tái giá với người đàn ông giàu có, và khi ông ta chết đi để lại tiền bạc, và gia đình bà ta dọn đi nơi khác. Một dạo em gái bà ta trở lại, cũng có chồng và ba đứa con, hai vợ chồng đều giàu có, và người chồng cũng bị tai nạn chết đi, để lại gia sản bà ta thừa hưởng. Rồi bà ta cũng dọn nhà đi luôn, để ít lâu sau một người em gái khác trở lại, cứ thế tái diễn mãi… Anh có thấy một sự trùng hợp kỳ lạ không?

- Ừ cũng lạ thật đấy! Đạt đồng ý, nhưng tôi không thấy có liên quan đến câu chuyện người ta định giết cô?

- Một âm mưu… Tôi nói, một âm mưu rất tinh vi, lúc nào cũng thành công khiến họ cứ áp dụng đi, áp dụng lại trong nhiều năm.

- Âm mưu giết người để hưởng gia tài?

Đạt quay hẳn sang tôi nhìn với một vẻ không thể nào tin được:

- Thật là điên! tôi không tin như vậy. Cô Hằng! nếu có thì chỉ một lần, lần ông Hoàng Bình bị tai nạn đắm thuyền và bà vợ hưởng trọn gia tài, còn những lần sau, chẳng lẽ hết chị tới em họ bắt chước nhau làm những việc sát nhân kinh khủng y hệt?

- Không, tôi đâu có nói thế? không phải hết chị đến em, mà chỉ một người, một người thôi, đã làm nên tất cả ngần ấy chuyện, tôi muốn nói một con quỉ cái thích giết người không hiểu vì lý do gì?

- Không thể có chuyện đó được. Đạt lắc đầu nói.

- Đấy, tôi đã bảo có kể anh cũng không tin.

- Làm sao tôi có thể tin được một chuyện vô lý như thế?

- Anh không tin là vì anh không có dịp ở gần họ để mà quan sát. Muốn hiểu, anh phải ở hẳn trong ngôi nhà đó, anh sẽ bắt gặp những sơ hở của họ, thí dụ một lần Dung đã vô tình kể cho tôi nghe nó đã sống ở những thành phố lớn như Sài Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Đà Nẵng… toàn những nơi thị tứ, hoặc thương cảng tấp nập kẻ tới người đi. Và nó nói đã có lần suýt chết khi nhà nó phát hoả, lần đó mẹ nó đã làm hết cách để mắng át nó đi.

- Có thể nó nói bịa, hoặc tưởng tượng sau khi đã nghe ai kể lại. Tất cả mọi người đọc báo đều biết vụ hỏa hoạn xảy ra tại Vĩnh Long do sự bất cẩn của một người đàn bà khi nấu ăn bằng bếp ga, khiến người chồng bị chết thiêu ngay trong nhà vì không chạy kịp, và cả xóm bị thiêu rụi. Việc xảy ra đã bảy, tám năm về trước.

- Vấn đề chính là có một nguyên do… Tôi cố thuyết phục Đạt, gia đình họ có một quá khứ bí mật chắc là ghê gớm lắm, vì vậy muốn dấu biệt tung tích nên họ không thể ở lâu một chỗ, và cũng chẳn giao du với ai. Còn về tấm ảnh, bác Mân nói những người trong ảnh, chỉ trừ người đàn bà trông rất giống người chủ cũ của bác, là người đã sống trong ngôi biệt thự đó hơn mười năm về trước. Còn người đàn ông thì không phải là ông Lê Hữu Tăng, nghĩa là không phải cha ruột của hai đứa nhỏ, cũng không phải ông Hoàng Bình, tức là cha ghẻ của hai đứa nhỏ.

- Có thể đây là gia đình người em gái của bà vợ ông Hoàng Bình, một người con gái khác cũng thuộc gia đình họ Tạ mà bác Mân nhầm với bà chủ cũ của bác, chị em ruột thì giống nhau là một việc rất thường…

- Thế còn hai đứa nhỏ? chẳng lẽ cũng giống hệt hai đứa con của dì Lý?

- Có thể. Đạt cãi một cách yếu ớt.

- Không, tôi thì nhất định đó chính là ba mẹ con bà dì ghẻ của tôi hiện giờ, bức ảnh mới chụp cách đây vài năm, còn người đàn ông là người chồng mà bà ta đã giết chết một cách bí mật.

- Cô có nói đến sang năm tôi vẫn không thể nào tin được. Đạt nói, không phải là tôi không muốn tin, nhưng những điều cô nói đều là những chuyện do cô tưởng tượng và vô lý hết sức, phải có giải thích hoặc chứng minh rõ ràng, không phải chỉ là những điều mà cô nghi ngờ.

Đạt nói như để xin lỗi, hắn úp bàn tay của hắn lên tay tôi xoa nhẹ:

- Nhưng tôi tin rằng cô đang sợ hãi thực sự, chắc cô đang bị khủng hoảng thần kinh. Tôi có thể giúp cô tất cả những gì cô cần tôi giúp, ngoại trừ việc cô bắt tôi phải tin rằng tất cả những người trong gia đình cô - trừ ba cô - đều là những con quỉ thích uống máu người.

- Tôi đâu có nói thế?

- Nếu vậy cô bắt tôi tin rằng con bé con tên Dung đó cũng là một đồng lõa trong những vụ sát nhân gớm ghiếc?

- Thôi được, tôi sẽ không kể cho anh nghe thêm nữa.

- Vậy cô muốn tôi làm gì cho cô?

- Bây giờ thì chưa cần gì hết, bước đầu tiên tôi sẽ cố gắng làm lấy một mình. Tôi sẽ làm hết cách để tôi có thể mở được cái cửa nhà kho ở phía sau vườn, nếu bác Mân nói đúng, thì trong đó có thể có một lô những thứ tôi cần tìm hiểu. Tùy theo kết quả tôi tìm được gì trong đó, tôi sẽ quyết định bước thứ hai phải làm gì.

- Cô không có điện thoại, làm thế nào mình liên lạc được với nhau?

- Tại sao anh không tới tôi chơi chiều ngày mai và đón tôi đi? Tôi sẽ nói với cha tôi rằng bọn mình đi xem chiếu bóng!

- A nếu vậy bọn mình có hẹn rồi nhé? Thứ sáu tôi tan việc lúc 3 giờ chiều, độ hơn 4 giờ tôi sẽ tới nhà cô, tôi hy vọng lần này cô không dứt khoát nói cô bận?

- Tôi phải nói như vậy với anh lần trước là vì tôi không muốn cho Dung đau lòng. Nhưng bây giờ trái lại, làm cho bất cứ người nào trong ba mẹ con bà ta đau khổ, chính là điều tôi đang muốn làm.

 

Sau đó chúng tôi chia tay. Từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng nên tôi ghé lại một tiệm phở, ăn qua loa một tô cho đỡ đói, tôi chỉ trở về nhà lúc 5 giờ chiều. Hai vị quan toà đang ngồi chờ ngoài phòng khách, vừa bước vào cửa trước, tôi đã chạm mặt họ, cha tôi và bà ta đang ngồi bên nhau, mặt phừng phừng lửa giận.

- Hằng lại đây một lúc!

Cha tôi gọi giật lại, ngay khi tôi vừa bước qua mặt họ định đi thẳng lên lầu, không dừng lại để nói chuyện. Tôi miễn cưỡng quay lưng đi trở lại phòng khách.

- Có chuyện gì vậy? Tôi hỏi một cách dè dặt.

- Con đã biết câu trả lời rồi. Cha tôi nói, thật xấu hổ cho bố có một đứa con gái độc ác như con. Tại sao con đối xử với em Dung như thế? những hành động của con không thể tha thứ được.

- Con không thấy có gì gọi là độc ác như bố nói. Con thả Dung xuống chỉ cách nhà một quãng ngắn, và nó có thể thong thả đi bộ về nhà.

- Cái khoảng cách không quan trọng, nhưng bố muốn nói cái thái độ của con, con hứa sẽ đưa nó xuống phố rồi thình lình con lại quẳng nó xuống giữa đường.

- Con có hứa gì đâu? con đã nói với bố ngay từ đầu là con không muốn đem nó đi theo.

- Và bố bảo con phải đem nó đi? Cha tôi bắt đầu lớn tiếng, mặt ông lộ đầy vẻ tức giận, bố cho con lấy cái xe đi cũng với điều kiện đó, con làm gì suốt cả ngày hôm nay? bố không thấy con mua giày dép gì cả?

- Con đi phố suốt cả buổi sáng nay, nhưng không tìm thấy loại giày con ưng, sau đó con đi ăn trưa và vào thư viện vài giờ rồi về.

Dì Lý tự nhiên chõ miệng vào:

- Đó không phải là sự thật, bố con có hỏi thư viện, và họ nói con không hề có mặt tại đó suốt từ buổi sáng cho tới khi thư viện đóng cửa.

- Sao ông có thể gọi thư viện được? khi nhà không có điện thoại. Tôi hỏi và nhìn thẳng vào mặt dì, trong lúc con ở đó, con cũng có dò hỏi xem danh sách những người đang xin lắp điện thoại, không thấy có tên bố con trong đó. Dì chưa bao giờ đặt điện thoại như dì đã nói với bố con cả, chẳng trách bố con cứ chờ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác…

Cha tôi quắc mắt lên một cách dữ tợn:

- Con không được nói với dì bằng cái giọng đó, bố đã đến tận nơi chứ không phải gọi điện thoại. Bố có cái thơ mời bố đi Sài Gòn vào thứ sáu này để gặp ông giám đốc nhà xuất bản, vì nhà không có điện thoại nên bố phải lái xe tới trạm Hàng Không để mua vé máy bay. Nhân tiện bố ghé thư viện để xem con đâu, người trong thư viện nói con không hề tới đó hôm nay.

- Nhưng bố có nghe con nói hồi nãy không? dì Lý đánh lừa bố, dì không hề xin mắc điện thoại, dì không muốn bố có thể gọi nói chuyện với bên ngoài, bởi nếu bố con mình có thể liên lạc được với bên ngoài thì dì không thể kiểm soát được.

Dì Lỳ bỗng lùi lại như bị tôi đánh:

- Trời ơi, anh Thanh! Dì nói yếu ớt, giọng run rẩy, đôi mắt đẹp của dì mọng lên những nước mắt, tại sao nó có thể nói những câu độc ác như thế? em đã cố gắng làm cho nó thương em…

- Mày nói thế đủ rồi Hằng!

Cha tôi giơ tay lên như chực tát vào mặt tôi, nhưng rồi ông hạ tay xuống, nắm thành nắm đấm để giữ bình tĩnh:

- Mày muốn nghĩ gì thì mặc mày, nếu mày còn nhỏ thì tao sẽ nhốt mày vào phòng khoá lại. Bây giờ lên lầu đi! và ở trong phòng cho tới giờ ăn, suy nghĩ về những hành động láo lếu của mày. Khi xuống, mày sẽ phải xin lỗi dì mày và cả con Dung nữa.

- Bố đợi tới khi có hai xác chết trong nhà rồi mới tỉnh!

       Tôi đáp lại và phóng thật nhanh lên lầu. Tới lưng chừng cầu thang tôi mới nhận ra mình vừa nói gì, và một cơn rùng mình chạy suốt dọc thân thể như vừa bị dội một chậu nước đá. Tôi tiếp tục leo nốt cầu thang và vào phòng riêng khóa cửa lại, nhưng lập tức tôi nhận thấy cử chỉ của tôi thật vô ích, cửa phòng tôi không có then, và bất cứ ai cũng có thể vào được, dù có khóa hay không khóa.

Đi ngang cái bàn, tôi cầm bức ảnh của mẹ tôi lên, đứng lặng một lúc ngắm vẻ dịu dàng và cái cười có nếp nhăn của bà, tôi tự hỏi sau hai mươi năm lấy một người vợ như vậy, cha tôi làm sao có thể chọn một người như dì Lý?

      “ Anh không ở gần để mà quan sát… ” Tôi đã nói với Đạt như vậy khi hắn không tin những điều tôi kết tội mẹ con bà ta, “ muốn tin, anh phải sống hẳn ở trong ngôi nhà để mà quan sát…” Cha tôi chả đang sống ở trong ngôi nhà là gì, nhưng tại sao ông lại có thể mù quáng tới nỗi không nhận ra những việc hết sức kinh khủng và bất bình thường? Thật giản dị, ông đang yêu dì Lý như tất cả những người đàn ông trước đó đã yêu dì: ông Vinh, ông Hứa Duỳn, và ông Hoàng Bình. Thế còn người đàn ông thứ nhất, ông Lê Hữu Tăng, ông có yêu dì Lý không? Theo Dung kể, ông ta đã làm cho dì Lý bị xúc phạm tới tột cùng khi ông gian díu với một cô gái nhảy, giọt máu rơi của một tên lính Lê Dương và một người đàn bà thiểu số. Do đó thật dễ dàng hiểu được tại sao bà lại ghét cay ghét đắng tất cả những người thiểu số và những người mang hai dòng máu, nhất là những người đàn bà.

       Đặt lại tấm ảnh của mẹ tôi vào chỗ cũ, tôi đi lại giường, nằm dài ra, mắt nhìn lên trần nhà, tôi ôn lại tất cả những gì xảy ra trong ngày hôm nay, khởi đầu là cuộc đối chất với Dung sang nay trên xe, Dung không có chối là mẹ nó và anh nó định dìm cho tôi chết, nó chỉ nói là nó không tham dự vào. “…em không có biết chuyện đó, Dung nói, mẹ thuốc cho em ngủ, không ai bảo cho em biết rằng đã tới lúc …” Bây giờ thì tôi quả quyết được rằng mẹ con bà ta đang tìm cách để giết tôi cho bằng được, sau đó sẽ đến lượt cha tôi cũng sẽ phải chịu chung số phận của những người chồng trước của bà ta, những người đàn ông xấu số đã chết một cách hết sức bí ẩn. Điều đó có thể giải thích được thái độ trốn tránh tất cả mọi người của bà, và tại sao bà cứ phải lang thang hết nơi này đến nơi khác để tránh khỏi bị nhận diện. Chỉ sau một thời gian đi xa, bà mới quay về căn biệt thự vắng vẻ này, giả làm em cháu của mình và câu chuyện lại tiếp tục, với một người chồng mới, một nạn nhân mới…

 

Đầu óc tôi rối như tơ vò với nhiều sự kiện lạ lùng vừa mới khám phá, Đạt nói “ không thể có thực được ”. Tôi nhắm mắt lại và chìm vào cơn mơ, tôi nghe tiếng mẹ tôi nói một cách nghiêm nghị: 

- Hằng! con phải tin đó là sự thực.

 

Lưu Phương Lan

xem tiếp chương 17