Tiếng dương cầm

  

 

 

 




Tiếng dương cầm - Chương 11


PHƯƠNG LAN 


Bách chờ tôi nơi cổng, hắn ngắm tôi đang tiến về phía hắn với một vẻ mặt khó đăm đăm như là bị bó buộc, rõ ràng không phải là vẻ mặt của một chàng thanh niên đang chờ đợi một cô bạn gái.  Hắn hất hàm:

-    Cô quyết định đi câu cá với tôi hôm nay à?  Tôi nghĩ rằng cô đâu có muốn đi? mọi việc do trời sắp đặt tất cả.

-    Trời nào vào đây? chứ không phải anh muốn sao?  Mẹ anh đã nói vậy, bà đã sửa soạn đồ ăn trưa đem theo đây này!

Tôi nói và đưa cho Bách xem giỏ đồ ăn:

-  Bà đã lo lắng tất cả mọi thứ.

-  Cái gì vậy? bánh mì jambon, trái cây và nuóc ngọt? chu đáo quá.  Mẹ tôi tử thế thật đấy, ít nhất cũng không thành con ma đói!

Tôi không hiểu Bách nói như vậy là có ý gì, chắc chỉ là một câu nói đùa, tôi nghĩ bụng.  Chúng tôi đón xe lam ra bờ hồ.  Một cái xuồng con đã cột ở đó tự bao giờ, đó là một cái xuồng nhỏ có gắn máy đuôi tôm.  Bách nói:

-   Bây giờ cô trèo lên trước, ngồi cho vững trong lúc tôi đẩy xuồng ra.

-   Tôi sợ sẽ làm dơ xuồng của anh, chân tôi đã giẫm phải bùn rồi đây này!

Vừa nói tôi vừa trỏ xuống đôi giày xăng đan của tôi đang lún sâu trong bùn ướt.  Bách tần ngần một chút rồi lắc đầu:

-   Không hề gì, cứ trèo lên!

    Tôi làm theo lời hắn chỉ, nằm rạp xuống một bên xuồng và cho một chân lên, khi lấy thăng bằng được rồi, tôi để cái giỏ đồ ăn xuống lòng xuồng.  Bách xăn quần lên, hắn xô mũi xuồng hướng ra giữa hồ và nhảy lên.  Khi xuồng ra đến giữa dòng, bỗng dưng Bách đưa hai tay nắm chặt lấy một bên mạn xuồng và lấy hết sức nâng lên, chiếc xuồng nhỏ nghiêng đi một cách hết sức nguy hiểm. Tôi vội bám chặt lấy mạn xuồng bên kia cho khỏi rớt xuống nước.

-   Coi chừng, Bách!  Tôi hét lớn, anh suýt làm xuồng lật.

Bách vội buông tay ra, vẻ mặt hắn có một vẻ lạ hết sức.

    Xin lỗi, hắn bối rối nói, tôi biết cô không quen đi xuồng, vì xuồng nhỏ thường chòng chành làm cô chóng mặt.  Sao cô không nói sớm như vậy? thôi đi trở vào và nói với mẹ tôi rằng cô đổi ý định, bà sẽ không làm gì được cô hết, nếu cô nói cô không muốn đi với tôi.

    Thật tình tôi không cảm thấy yên tâm tí nào và chẳng thấy thích thú gì cả, nhưng để Bách nói như vậy thì mất mặt quá, tôi tức tối hỏi:

    Anh làm cái gì vậy? định tống khứ tôi à? đâu có dễ thế?  Anh mời tôi đi chơi hôm nay thì anh phải đi, không thể trở về ngay được.  Bây giờ anh muốn tôi ngồi đâu?

Bách im lặng một lúc rồi nhún vai:

-   Cô ngồi ở mũi xuồng, phía trước, như thế xuồng sẽ thăng bằng.

    Hắn ta ngồi xích qua một bên chừa chỗ cho tôi.  Chiếc xuồng vẫn bập bềnh lên xuống nhưng đã có thăng bằng, Bách cầm cái dây ở động cơ và kéo một cái mạnh, máy xuồng nổ lên ròn rã, và chiếc thuyền lưới đi êm ái.  Mãi đến nửa giờ sau, khi tim đã bớt đập, tôi mới nhận ra rằng trên xuồng không có cái cần câu nào cả.

-   Ðồ câu cá đâu? Tôi hỏi, anh định đi câu hôm nay mà?

Bách nhìn xuống lòng xuồng như để tìm xem có cần câu ở đó không, rồi ngượng ngập nói:

-   Chết thật, tôi quên đem theo.

-   Anh muốn trở về lấy không?

-   Ðể lát nữa.  Bách nói, bây giờ tôi đưa cô đi vòng quanh hồ ngắm cảnh đẹp hai bên bờ.

 

     Tôi đồng ý liền, và bắt đầu chú ý đến những cảnh lạ ở chung quanh.  Bây giờ thuyền đã ra xa lắm, không còn trông thấy mặt lộ đâu nữa vì bị lấp sau những rặng cây cao lớn sừng sững, những cành cây xòa thấp xuống, soi bóng xuống mặt nước hồ xanh đen những rong rêu.  Tôi ngắm một cách thích thú những hoa màu tím mà Bách bảo đó là hoa súng mọc đầy trên mặt nước thành một khối đặc màu tím bát ngát.  Những con diệc đang rình để bắt cá, nghe tiếng động cơ, sợ hãi bay túa lên từng đàn.  Xuồng chúng tôi tiếp tục ra giữa dòng, mặt hồ như rộng ra, và bóng lá cũng vẹt ra để nhường chỗ cho ánh sáng mặt trời chiếu vào.  Những cành cây chết nổi lều bều trên mặt nước thành những cụm nhỏ màu nâu xậm.    Khi tới gần, tôi ngạc nhiên khám phá ra rằng lẫn trong những cụm cây chết đó, có những con rùa đang nằm phơi mình trên mặt nước để hứng ánh nắng trời.  Bách tắt máy, và một sự im lặng hoàn toàn chưa từng thấy, rồi thì giữa sự im lặng bao la, tôi chợt nghe những tiếng động thật nhỏ, tiếng những con cá quẫy nước, tiếng chim hót và tiếng những con sóc đang nhảy chuyền trên cành…

    Bây giờ thì tôi hiểu tạo sao anh hay tới đây… Tôi nói thật nhỏ, đây là một thế giới khác với thế giới mà chúng ta đang sống, chỗ này thần tiên quá.

     Ðây là một nơi mà thời gian như đọng lại.  Bách nói, thế giới ở bên ngoài đảo điên, nhưng ở đây mọi thứ đều bình lặng.

Ngày hôm qua Dung cũng nói tương tự như anh vậy, nói nói rằng nó sợ sóng gió, và chỉ muốn sống một cuộc đời bình lặng mà không được.

Tôi kể cho Bách nghe mọi chuyện và kết luận:

-    Con nhỏ có những tư tưởng kỳ lạ, như một người đang chán đời!

    Tội nghiệp Dung.  Bách nói giọng buồn rầu, tôi nghĩ rằng đời sống đối với nó khó khăn hơn là đối với chúng mình.

    Thật là ngạc nhiên khi nghe những ý nghĩ đó của một đứa trẻ mới mười ba tuổi, anh có hiểu nó nói gì không?

Có những điều về nó cho tới bây giờ tôi vẫn không thể hiểu được, mặc dù chúng tôi là anh em và vẫn hay trò truyện, tâm sự.

Thình lình Bách thay đổi đề tài:

-   Tôi có một vấn đề cần hỏi ý kiến cô.

Bách ngưng lại, cố gắng tìm chữ để diễn tả:

Hằng nghĩ thế nào về đề nghị cả tôi và cô cùng đi xa? thoát ly khỏi gia đình, đi xa hẳn nơi đây?

Cùng đi xa? Tôi lập lại một cách ngớ ngẩn, không tin ở tai mình, anh muốn nói gì? tại sao lại phải thoát ly?

     Chúng ta có thể dùng cái xe Chervolet của mẹ tôi, Bách nói một cách thận trọng.  Ðừng lo, Hằng sẽ lái, ít nhất cho tới khi tôi có thể tìm cách xoay cho được một cái bằng lái.  Bây giờ chúng ta trở về nhà, Hằng chờ tôi ở ngoài đường, trong lúc tôi lẻn vào phòng của mẹ tôi để lấy trộm chìa khóa, sau đó chúng mình chỉ việc khởi hành.

Khởi hành đi đâu? Tôi hỏi một cách kinh ngạc.

     Ði bất cứ nơi nào Hằng muốn.  Theo tôi thì Nha Trang là một thành phố du lịch, tàu buôn tấp nập, kẻ ở người đi, không ai biết ai cả, chúng ta sẽ mướn một căn nhà nhỏ trong một làng chài, và có thể tìm việc làm ở đấy. Tôi sẽ đem theo một số tiền kha khá, đủ để sống trong lúc chờ đợi có thể xin một chân bồi phòng chẵng hạn, hoặc tôi cũng có thể làm việc trên những tàu đánh cá.  Còn Hằng có thể làm bất cứ việc gì, không quan trọng, điều quan trọng là chúng mình tự do sống chung với nhau.

-   Anh muốn sống chung với tôi?  Tôi thì thầm, nhưng anh đâu có yêu tôi?

Tôi có thể, nếu tôi tự cho phép và không bị kiềm chế bởi mẹ tôi.  Còn Hằng, Hằng có nghĩ rằng có thể yêu được tôi nếu Hằng cố gắng?

-   Tôi à? có lẽ…

Tôi hơi ngập ngừng, bởi vì thú thật tôi cũng có cảm tình với Bách từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến Vườn Hồng.

     Tôi cũng không biết nữa.  Tôi nói một cách dịu dàng, còn anh, nếu anh yêu tôi, tại sao anh có những hành động tôi không hiểu nổi? anh cố tránh nói chuyện với tôi từ sau cái đêm mình đi phòng trà…

     Tôi đau đớn cái đêm hôm đó, tôi biết tôi không có hy vọng gì hết.  Tôi không muốn tiến tới, vì tôi nghĩ rằng tôi sẽ đau khổ thế nào khi yêu một người rồi mất họ, và tôi có ý định mình sẽ đi xa với nhau, có thể đó là một giải pháp.  Cô Hằng! cô có muốn chấp nhận một sự thử thách?

     Tại sao mình lại phải lén lút như những tên tội phạm?  Bây giờ anh với tôi đều sống chung trong một nhà, tại sao không đợi cho tới khi học hết trung học? như thế mình sẽ có đủ thời giờ suy nghĩ chín chắn xem có thể là người lý tưởng của nhau?

Không thể được.   Bách nói, chỉ có thể quyết định bây giờ hoặc không bao giờ nữa.

Tại sao? tôi không hiểu.  Tôi hỏi một cách ngơ ngác.

Dĩ nhiên cô không hiểu, cũng như xưa kia Liên cũng không hiểu.

Nông Thị Liên? anh muốn nói cô bạn gái cũ của anh?

    Không phải bạn gái.  Bách nói sau một hồi suy nghĩ, Liên đã sống với tôi như vợ với chồng hơn ba năm về trước!

Trời ơi! có thể vậy được sao? mẹ anh nói năm nay anh mới mười bẩy, ba năm về trước, anh mới mười bốn tuổi?

Bách buồn rầu nói:

     Tôi đâu phải mới mười bảy tuổi? đó là mẹ tôi nói dối để che mắt thiên hạ, cô không nhớ đã có một lần tôi nói với cô là tôi đã hai mươi hai rồi cơ mà?  Ba năm về trước, tôi và Liên yêu nhau khi cả hai cùng đã trưởng thành, bất chấp sự phản đối của mẹ tôi, nhưng cuộc tình vẫn đi đến chỗ kết thúc, Liên chết sau đó…

Tôi há hốc miệng, kinh ngạc:

Chết sau đó? tại sao?

Bách nhún vai:

     Biết làm cách nào hơn được khi mà… mạng sống của ba mẹ con tôi bị đe dọa, vì Liên đã bắt đầu nghi ngờ.

Bách nhắm mắt lại như để hồi tưởng, vẻ mặt hắn lộ vẻ đau khổ rõ rệt:

Tôi đâu có quyền chọn lựa…

     Chọn lựa cái gì? anh làm tôi điên đầu, những điều anh nói vô lý hết sức. Tôi không thích anh đùa kiểu đó, đùa kiểu anh nói với tôi đêm ở phòng trà, thật là kinh khủng, toàn là bịa đặt!

Nếu vậy cô không đi?

     Không, dĩ nhiên tôi không đi.  Tôi nói, đó là một ý định điên rồ, không bao giờ tôi có thể đối xử với cha tôi cách đó, ông sẽ đau khổ nhục nhã đến chết được. Vả lại…

Tôi ngừng một chút, tìm cách diễn tả:

Vả lại chúng ta không thể nào nuôi nhau được, học trò cỡ tuổi anh và tôi chưa sẵn sàng cho cuộc sống vợ chồng tự lập.

Sau đó là một lúc im lặng rất lâu, bất thình lình bị cắt dứt bởi tiếng một con cá vừa trồi lên đớp không khí, rồi Bách cất giọng thê thảm:

-   Thôi cũng được, tôi đã đoán thế.

Bách cúi xuống lượm cái dây động cơ, và không nhìn tôi, mặt hắn đanh lại, hắn nhìn đăm đăm về phía trước mặt, những thớ thịt trên mi mắt hắn bắt đầu giựt giựt.

-    Ðừng giận, anh Bách!

     Tôi nói một cách dịu dàng, lòng hơi hối hận đã bảo hắn điên, những dự tính liều lĩnh cho tình yêu đâu phải là điên, nhưng chỉ không nên thực hiện.  Tôi nói thêm:

Như thế không có nghĩa là mọi việc đã chấm dứt, Hằng vẫn quý mến anh…

Bách nói một cách êm đềm:

     Tôi đâu có giận, Hằng? tôi chỉ muốn nói lời xin lỗi, tôi rất tiếc….

Bách kéo mạnh dây, tiếng động cơ nổ lên dòn giã, Bách quay lại nhìn tôi, cặp mắt đau đớn, nhưng giọng nói của hắn không có nghĩa gì hết:

     Bây giờ chúng ta ăn trưa trước khi quay về.  Tôi biết hãy còn sớm, nhưng sáng nay tôi chưa ăn gì cả.

-   Tôi cũng vậy.  Ðừng cho xuồng chạy vội, để tôi mở gói đồ ăn.

Nói xong, tôi rời khỏi chỗ ngồi, bò một cách cẩn thận tới giữa xuồng, tôi thò tay vài giỏ, lấy gói đồ ăn ra, gỡ cái dây buộc…

Mẹ anh làm jambon hẳn là ngon lắm. 

 

     Tôi nói và bắt đầu mở gói bánh mì.  Ngay lúc đó động cơ của xuồng gầm lên một tiếng lớn và xuồng chồm tới trước, lao vút đi như một mũi tên. Tôi bị giật té ngửa ra phía sau, tay hãy còn cầm gói đồ ăn. Việc xảy ra bất thình lình và nhanh tới nỗi tôi không kịp sợ và không kịp kêu một tiếng nào.  Cảnh cuối cùng tôi trông thấy trước khi tôi bị rơi xuống nước là đàn diệc trắng bay túa lên trời.   Mặt nước khép lại, tôi chìm thật nhanh dưới sức nặng của thân thể.

     Bây giờ tôi mới cảm thấy kinh hãi tột đỉnh, mặt nước sủi bọt, tôi ngạt thở và hai tai ù đi, tôi không còn nhìn thấy gì hết, tôi không nghe thấy gì hết, tôi thấy mình lơ lửng như người đang đi trên mây.  Nhưng bỗng dưng tôi có cảm giác thân hình tôi đang nổi lên từ từ, có lẽ vậy, lúc rơi xuống nước, tôi đã buông gói đồ ăn và bây giờ hai tay tôi tự do vẫy vùng loạn xạ, tôi cố đạp lên nền đất bùn ở đáy hồ để ngoi lên chỗ có ánh sáng mặt trời.  Và rồi đầu tôi nhô lên được, vừa ho, vừa sặc, tôi cố hớp lấy một chút không khí.

     Khi nhô lên hẳn mặt nước, tôi nhìn ngay thấy cái xuồng của chúng tôi đang bập bềnh như một cái phao ngay phía trước mặt, chỉ cách độ mười thước, Bách đang ngồi ở phía cuối thuyền, chỗ hắn đã ngồi truóc khi xảy ra tai nạn.  Tôi tự hỏi có thể tưởng tượng được không? chỉ vì ngồi đó mà Bách đã không bị văng xuống nước như tôi đã bị?

Bách! Tôi kêu lớn, tôi không thể, tôi không thể…

     Bách biết rằng tôi không thể bơi, tôi đã kể cho Bách nghe như thế hôm chúng tôi đi đạo với nhau lần đầu tiên ở bờ ao, có thể nào bây giờ hắn quên và nghĩ rằng tôi có thể bơi tới cái xuồng được chăng?  Chỉ có mười thước, đâu phải là một khoảng cách lớn?  Chẳng biết Bách có nghe tôi gọi không, nhưng hắn cứ ngồi im không nhúc nhích.

Bách, cứu tôi!

     Tôi gào lớn và cảm thấy lại bắt đầu chìm, lần này tôi chìm từ từ như một cục chì, chân tôi đạp đáy hồ và bản năng sinh tồn khiến tôi vùng vẫy thật mạnh.  Một lúc lâu như một thế kỷ, tôi lại nổi lên, ngực tôi đau như muốn vỡ, và đầu tôi va vào một vật gì cứng, tôi bám ngay lấy và dùng hết sức để ngoi lên, mừng rỡ nhận ra đó là một khúc gỗ lớn, tôi chỉ sờ và đoán biết như vậy vì mắt tôi mờ, không trông thấy gì hết.  Tôi nhắm mắt lại vài giây và nôn thốc tháo nước đã nuốt vào bụng, trán tôi toát mồ hôi mặc dù người tôi đang lạnh giá.  Khi tôi định thần được và mở mắt, thì chung quanh tôi hoàn toàn vắng lặng, không thấy cái xuồng đâu nữa.  Vẫn bám vào khúc gỗ, tôi quay đầu nhìn mọi hướng để tìm kiếm, và sau cùng tôi đã thấy nó từ đằng xa và Bách ngồi quay mặt lại.  Tôi vẫy tay lia lịa nhưng con thuyền vẫn đi xa dần…

-   Bách! quay lại, cứu tôi với!

Tôi gào lớn và bắt đầu khóc, một lúc sau cái xuồng biến mất sau một khúc quanh của hồ, Bách đã quay lưng, nhẫn tâm bỏ mặc tôi chết đuối.  

     Trong một lúc rất lâu, tôi cứ ở yên một chỗ, không cử động, hy vọng Bách trở lại, nhưng không, hắn vẫn biệt tăm, chỉ có những con diệc thấy yên tĩnh trở lại, đang bắt đầu la đà đáp xuống.  Đừng hy vọng Bách trở lại, tôi nhủ thầm, hắn đã cố tâm giết tôi, hãy tự cứu lấy mình, tôi lẩm bẩm một mình và thấy sáng suốt trở lại.  Tôi không còn sợ chết chìm nữa, khúc gỗ đủ lớn để cho tôi nổi, nhưng bây giờ tôi sợ một thứ khác: những con cá sấu, những con rắn nước, những con đỉa…

     Bằng bất cứ cách nào tôi phải vào bờ lập tức, tôi nằm dài ra trên tấm gỗ và bắt đầu đập mạnh hai chân, tôi đã từng trông thấy người ta chơi trượt nước ở trên biển, và bây giờ tôi cố bắt chước.  Những ngọn sóng làm tôi xoay ngang và dạt ra đến mấy lần, nhưng sau cùng thì tôi cũng vào gần đến bờ, tôi sung sướng đến phát khóc khi nắm được cái rễ cây đầu tiên và bắt đầu leo lên. 

     Khi ra tới mặt lộ để đón xe, trí tôi vẫn lẩn quẩn với câu hỏi tại sao Bách vừa mới nói yêu tôi và muốn chung sống với tôi, rồi lại trở mặt toan giết tôi?

 

Lưu Phương Lan

Xem tiếp chương 12