Tiếng dương cầm

 

 



 

Tiếng dương cầm - Chương 05


PHƯƠNG LAN 


Khi chúng tôi trở lại Trại Hầm thì mới hơn quá trưa một chút, mặt trời ngay trên đỉnh đầu, chiếu những tia nắng chói chan xuống cảnh vật, những hàng cây đứng bóng im phăng phắc, không một chút gió, không khí hanh nồng một cách khó chịu.  Một cái xe cam nhông kẻ biển “Công ty xây cất và sửa chữa Mê Linh” đậu ngay trước cửa nhà, hai người đàn ông ngồi nghỉ dưới bóng mát của một cây trắc bách diệp lớn, họ đang ăn bánh mì và uống nước trà đá đựng trong một cái bình thủy đem theo, một người lớn tuổi, người kia còn trẻ, tôi nhận ra ngay anh chàng to con, lái xe vận tải Dung nói hồi sáng.  Dì Lý nhấn còi ầm ỹ, một lúc sau Bách mới lừ đừ đi ra, hắn cười với tôi nhưng không thèm hỏi han mẹ lấy một tiếng, rõ ràng anh chàng còn tức vì đã bị cấm không cho đi theo hồi sáng.  Cả ba người phụ khuân đồ vào nhà.

   Trong lúc dì Lý và tôi mở giỏ chợ, và sắp thức ăn vào trong tủ lạnh, thì Dung mắt trước mắt sau chuồn ra khỏi nhà, và biến mất lúc nào không ai hay.  Tôi phụ với dì Lý sửa soạn bữa ăn trưa và dọn bàn xong xuôi, trong lúc đợi dì Lý đi tắm, tôi ra phòng khách, ngồi xuống đàn dương cầm, dạo vài bản nhạc êm dịu.  Khi mọi người đã xuống đầy đủ, dì Lý nhờ tôi đi gọi Dung.  Tôi thấy nó ngồi xệp trên cỏ và đang khoa chân múa tay, ba hoa chích chòe nói chuyện với hai người thợ.  Thấy tôi tới gần, nó cau mặt lại, thái độ khó chịu của nó khiến tôi muốn quay ngay vào, nhưng tôi cố nhẫn nại bảo:

-         Cơm dọn xong rồi.  Tôi nói và cố làm ngơ cái vẻ mặt đang nghênh chiến của nó, dì bảo chị đi gọi em vào.

-         Em bận.  Dung nói cộc lốc, vả lại em không đói.

-         Ăn nhiều ăn ít thì cứ vào đi một lát, cả nhà đang đợi.

Tức thì nó đứng phắt ngay dậy, dậm chân bành bạch:

-         Tức chết đi thôi, tôi không muốn ăn mà!

Tôi chưa biết phải xử trí như thế nào, thì người đàn ông lớn tuổi chợt lên tiếng khuyên can:

-         Thôi vào ăn đi cháu, bác và thằng Đạt cũng sắp trở vô làm việc bây giờ.

-         Tôi đã nói tôi không có đói mà, chị vào trước đi.

Dung dùng dằng lập lại, nhưng sau cùng nó cũng đứng đậy.  Khi Dung vừa quay lưng, thì anh chàng cao lớn gọi giật lại:

-         Ê cô lỏi! trước khi đi sao không giới thiệu bạn của lỏi cho tôi?

-         Hằng đâu phải là bạn tôi, Hằng là con riêng của dượng mà.

-         Chào con riêng của dượng!  Anh chàng vịt cồ nhe răng ra cười, hắn giơ tay cho tôi bắt và tự giới thiệu, tôi là Ðạt, Hoàng Ðạt, còn chú tôi tên Phải, thứ ba nên mọi người hay gọi đùa là ông Ba Phải, chắc là vì cái tính xuề xoà dễ dãi, sao cũng được của ông.  Chú tôi là chủ nhân của công ty xây cất và sửa chữa Mê Linh, còn tôi giúp việc cho công ty vào mỗi dịp hè.

 

-         Chào bác Phải, chào anh Ðạt!  Tôi mỉm cười gật đầu chào cả hai, rồi quay sang Đạt, Dung đã nói cho anh biết tên tôi rồi, tôi mới tới hôm qua…

-         Cô là người Hà Nội di cư phải không?

-         Sao anh biết? tôi chỉ mới gặp anh lần đầu mà.

-         Nghe giọng nói tôi đoán ra liền, cả cách ăn mặc của cô nữa.

-         Giỏi lắm! bây giờ tôi đến lượt tôi đoán về anh, anh sinh trưởng tại đây, đúng không?

-         Ðúng ngay boong! Tôi chỉ thích sống ở Đà Lạt, nhưng tôi sắp sửa đi ngoại quốc, tôi có học bổng của trường Không Quân Hoa Kỳ.

-         Mừng anh!  Tôi vui vẻ nói, anh sẽ ưa thích nước Mỹ, nơi ấy rộng lớn và có lắm trò tiêu khiển.

-         Tôi đâu phải đi Mỹ để ăn chơi, mà là vì… 

Ðạt ngập ngừng định giải thích rồi lại thôi, bất chợt hắn đổi đề tài: 

-     Này cô Hằng! tiếng đàn piano vừa rồi là của cô đó hả?

Tôi gật đầu:

-         Ðúng vậy, rồi sao?

-         Cô đàn hay lắm, tôi đã ngưng làm việc để lắng nghe cô đàn.

-         Anh nghe trộm à?

-         Nghe trộm hồi nào?  Hắn cười một cách rất hồn nhiên, tôi đâu có tới gần phòng của cô? tiếng đàn vang ra tới đây mà!

-         Biết anh nghe trộm tôi đã không đàn. 

Tôi bướng bỉnh nói với vẻ mặt cố làm ra vẻ khó chịu.  Hắn nheo cặp mắt có lông mi dài như lông mi con gái, giọng hóm hỉnh:

-         Trễ rồi! tôi đã nghe thấy hết trơn, từ đầu tới cuối… Thật tuyệt vời, tôi thích nhất bản “ Nhạc chiều ái ân ”

-         Cái gì? tôi đâu có đàn bản đó?

-         Có chứ! như thế này này… Hắn hắng giọng, bắt chước tiếng đàn, lá la lá là la, lả là lá la…

Tôi phì cười:

-         Ðó là bản Senerade của Schubert, vậy mà..

-         Cô bảo tôi nói ẩu tên bản nhạc?  Ðạt cười, bài này tôi đã được nghe nhiều người chơi, Thái Thanh cũng có hát nữa. Nhưng nhạc classic mà, ai muốn đặt lời ra sao thì đặt, riêng tôi thì đặt là “Nhạc chiều ái ân” vì nghe nó réo rắt như tiếng gọi của tình yêu, nhất là được chơi với ngón đàn điêu luyện của cô.

Tôi đỏ mặt vừa sung sướng vừa mắc cỡ:

-         Anh khen có quá không? lỡ tôi tưởng thật thì sao?

Ðạt nhìn sâu vào mắt tôi, hắn ngắm khuôn mặt đỏ hồng vì nắng của tôi một cách thích thú, rồi mới chậm rãi nói:

-         Thế chưa ai cho cô biết là tiếng đàn của cô truyền cảm lắm hay sao?  Tôi còn đang không biết nói thế nào để diễn tả được những cảm nghĩ của tôi khi nghe cô đàn.  Chắc rằng…

Tới đây Dung chợt xen vào một cách nóng nảy:

-         Ðủ rồi! anh Ðạt nói xong chưa?  Chị Hằng! chính chị dục, bảo mọi người đang đợi mà?

Tôi gật dầu:

-         Dung nói đúng, chúng tôi phải đi vào bây giờ.  Thôi nha, chào bác Phải, chào anh Ðạt, rất vui được biết anh.

 

Ðạt gọi theo, hắn nói với Dung như nói với một đứa em nhỏ:

-         Ðừng quên, lát nữa ăn xong ra đây nghe anh kể chuyện đời xưa cho nghe!

Dung không trả lời, nó lườm Ðạt một cái lườm thật dài.  Chúng tôi cùng quay vào, Dung đi trước, hùng hổ nhún vai nhún cổ, dáng diệu nghênh ngang như sẵn sàng khiêu chiến trông thật tức cười, trông nó giống như một con gà trống mới lớn, mới mọc lông đuôi, đang tập gáy.  Tôi cố nén cười và không giận, chỉ một ngày sau khi đến Vườn Hồng, tôi đã quen với tính nết bất thường của cô em khác bố, khác mẹ, nó dễ giận nhưng cũng mau quên.

Quả vậy, chỉ vài phút sau khi bốn người ngồi vào bàn - cha tôi đã ăn trước và đang ngồi trong phòng riêng đánh máy tập bản thảo của ông - vẻ mặt của nó đang nặng như đá đeo của nó bỗng trở nên nhẹ nhõm, nó ăn ngấu nghiến và quên mất rằng nó vừa bảo nó không đói.  Dung thích thú kể cho Bách nghe những điều nó mới khám phá được về cái phòng trà mới mở:

-         Ban tam ca AVT và ban nhạc trẻ chơi toàn những bản tuyệt cú mèo.  Hay là mình đi nghe nhạc đi?

-         Ý kiến hay!  Bách nói, Hằng có muốn đi phòng trà tối nay không?

-         Ði cũng được, coi bộ khá hấp dẫn.

Nhưng dì Lý phản đối:

-         Mẹ không nghĩ rằng đi phòng trà là một ý kiến hay.  Thứ nhất, Hằng mới đến và ba Hằng chưa có thì giờ nói chuyện riêng với con gái. Thứ hai, chắc ông không muốn Hằng bị lôi cuốn vào trong những hộp đêm.

Tôi ôn tồn nói:

-         Bố con không phiền gì đâu, vả lại con ở đây luôn thì nói chuyện lúc nào chẳng được?

-         Nhưng dì muốn thong thả một chút để dì còn hỏi xem cái phòng trà ấy ra sao đã trước khi để Bách đưa hai chị em đi.  Có những loại phòng trà không được đứng đắn và không thích hợp với lứa tuổi học sinh của các con.

-         Mẹ chỉ lo hão, Dung cãi, nếu phòng trà ấy chỉ dành riêng cho những người lớn tuổi ăn chơi thì nó đã không mang cái tên “phòng trà ca nhạc tuổi trẻ”

-         Lát nữa hãy bàn sau.  Dì Lý nói, đừng cãi nhau lúc bửa ăn.

-         Mẹ ác lắm!  Dung nói lớn, mẹ chẳng bao giờ tôn trọng ý kiến của chúng con hết, mẹ luôn luôn độc tài, bắt mọi người làm theo ý mẹ.

-         Ðã bảo để lát nữa hãy nói mà.  Dì Lý lập lại.

-         Con đã chán cái câu lát nữa, lát nữa của mẹ lắm rồi.  Bây giờ biết làm gì cho hết ngày đây nè trời?

Xô mạnh ghế, Dung nhảy ra khỏi chỗ ngồi, nó nện chân thình thịch lên cầu thang và đi về phòng riêng.  Dì Lý thở dài:

-         Một lần nữa dì lại phải xin lỗi con về thái độ của con Dung, dì không muốn phải xảy ra những cảnh tương tự như thế nữa.  Lần này thì dì không thể bỏ qua cho nó, nhưng bây giờ dì không thể làm gì hơn được trong lúc nó đang lên cơn tức giận.  Để lát nữa, khi nó nguôi nguôi đi một chút, dì sẽ lên giải thích cho nó hiểu.

Bà ngưng lại, hít vào một hơi thở thật sâu, rồi chuyển hướng câu chuyện:

-   Có lẽ phải hâm lại món canh, nguội cả rồi.  Bách! con nên ăn thêm một chút nữa, mẹ có làm món tôm càng rim con vẫn thích.  Còn Hằng! kể cho dì nghe con đã tìm được cuốn sách gì cho bố?

Tôi kể cho bà nghe về cuốn sách mới mượn của thư viện, dì Lý nói vài câu phê bình về tác giả:

-         Ông Chử Bá Anh là một giáo sư và cũng là một nhà nghiên cứu sử địa. Bà vợ ông, nữ thi sĩ Vi Khuê là một nhà thơ và một nhà văn hóa khá nổi tiếng, cả hai vợ chồng bà đã xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị.

Cứ thế, bữa ăn trưa đi qua một cách không lấy gì làm nặng nề lắm mặc dù Bách rất ít tham dự vào câu chuyện, nhưng hắn cũng không tỏ vẻ bực mình tí nào vì bị cấm không được đi phòng trà tối nay.  Nhưng mặt hắn có một vẻ gì bí mật và thỉnh thoảng tôi bắt gặp hắn đang kín đáo mỉm cười một mình. Khi bữa ăn chấm dứt, dì Lý đề nghị mọi người đi ngủ trưa một chốc:

-         Ðó là thói quen ở đây.  Dì Lý nói với tôi, người ta làm việc sớm lúc không khí còn mát mẻ, và nghĩ ngơi vào buổi trưa để tránh cái không khó oi ả.

-         Vâng! có lẽ cũng nên thế thật.

Tôi đáp và phụ với dì dọn dẹp bàn ăn, cho bát đĩa vào máy rửa chén, xong tôi đi lên lầu vào phòng riêng.

Nhưng tôi không tài nào chợp mắt nổi, mặc dù sáng nay tôi dậy rất sớm.  Bây giờ tôi vẫn không cảm thấy buồn ngủ tí nào, những tiếng động ầm ầm do thợ đang làm việc trên mái nhà làm phá tan đi sự yên tĩnh của buổi trưa.  Khi tôi ngả lưng xuống giường, thì óc tôi lại sôi sục với cả trăm câu hỏi về người đàn bà mà cha tôi đã cưới làm vợ kế, những việc xảy ra ở trong khu chợ Hòa Bình vẫn còn làm tôi thắc mắc không ít.  Tôi tự hỏi tại sao dì Lý lại tỏ ra xa lạ với người quen của chị bà?  Nói cho cùng, thật cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, nếu bà không nhận ra một người quen cũ, cách đây cả hơn chục năm, nhưng tôi không tìm thấy một lý do nào hết để giải thích cái thái độ lạnh nhạt của bà đối với ông ta, và gói thịt bò khô, chính tôi nghe dì đã bảo với Dung là dì không muốn Dung ăn những đồ cay nóng để tránh nổi mụn.  Vậy đó không phải là một món đồ thiết yếu không có không được, để dì phải vội vã bỏ đi giữa lúc câu chuyện đang dở dang.  Chỉ có một cách có thể hiểu được là dì tránh không muốn tiếp chuyện với ông Phú, và còn nữa… có thật là tên đệm của chị bà cũng là Lý không? thật là những câu hỏi rắc rối làm điên đầu. 

Căn phòng quá kín, như ở trong một cái hộp làm tôi ngộp thở.  Lúc mới vào phòng, tôi đã kéo hết các màn cửa sổ trổ ra ban công, vẫn không có một tí gió nào cả, những hàng cây cao đứng im lìm đổ bóng ngắn ngủn xuống mặt đường.  Mặt trời chỉ mới hơi xế về phía Tây một chút, những tia nắng phản chiếu trên những thành xe bằng nhôm của chiếc xe cam nhông, hắt lên một thứ ánh sáng chói lóa làm tôi nhức mắt.  Cảm thấy khát nước, tôi quay vào định đi xuống nhà bếp pha một ly nước chanh đá, ngang qua phòng Dung, tôi nghe thấy tiếng người nói chuyện, chắc là dì Lý đang dỗ dành, khuyên giải cho Dung hiểu.  Tôi bỗng giật mình nghe tiếng dì nói tên tôi khá lớn và tiếng Dung kêu lên ngạc nhiên:

 

-         Chỉ vì chị Hằng? thật vô lý…

Tôi đứng ngay lại, tiếng dì Lý nhỏ giọng xuống:

-         Im lặng, nghe mẹ nói đây! con biết điều đó mà…

Những tiếng sau cùng tôi nghe không được rõ vì bà ta nói rất nhỏ, gần như là thì thầm.  Tôi vội vã đi xuống nhà dưới, rót đầy một ly nước lọc, tôi bị xúc động cùng cực khi thấy mình bị liên quan đến câu chuyện của hai mẹ con họ đang nói.  Tôi uống một hơi hết ly nước và quay trở lên, đi nhón gót thật nhẹ, cố gắng không gây tiếng động, ngang phòng, những tiếng xì xào vẫn tiếp tục và rõ ràng không thể lầm lẫn, tôi lại nghe thấy họ nói đến tên tôi một lần nữa.  Trong một lúc phân vân, tôi đứng bất động, nhìn trừng trừng vào cái cửa khóa kín mít, rồi tôi quyết định, tôi ghé sát tai vào cửa để nghe ngóng.  Lần này tiếng họ nghe rõ mồn một, tiếng bà ta nói:

-         Phải làm hết cách để tách hai đứa nó ra, anh Bách con đẹp trai và quá quyến rũ đối với nó.

-         Mình không thể làm như vậy được, cả hai người đều ở chung một nhà, mẹ làm thế nào để ngăn họ gặp nhau hàng ngày?

-         Nhưng mẹ cũng ở ngay tại đây, trong nhà này, mẹ sẽ quyết định tất cả mọi việc.  Bách cũng biết rõ điều đó, có thể nó không bằng lòng, nhưng nó không có quyền gì cả, nó phải vâng lời.  Hai đứa nó có thể gặp nhau hàng ngày, nhưng dưới sự kiểm soát của mẹ, đừng để lỡ chúng có thể gặp nhau ở chỗ khác thì mọi việc cũng sẽ khác hẳn, làm sao mẹ có thể kiểm soát được?

-         Thế còn cái vụ đi phòng trà?

-         Không thể được, con phải nghe lời mẹ.

-         Như vậy không công bằng, giọng Dung đột ngột trở nên giận dữ, nếu chỉ vì ngăn cản anh Bách, sao mẹ lại cấm đoán cả con?

-         Dung! mẹ rất tiếc… Tiếng dì Lý van nài, mẹ mong con hiểu tất cả những gì mẹ làm đều nhằm mục đích có lợi cho ba mẹ con mình.

-         Con chả thấy có lợi gì hết!  Dung bắt đầu khóc, không thể tiếp tục sống như thế này mãi được, con chán lắm rồi, phải có gì giải trí, hãy để cho chúng con đi coi ca nhạc!

-         Không!  Giọng dì Lý trở nên cứng rắn, hãy tin mẹ, trong đời mẹ, mẹ đã làm một điều lầm lẫn rồi, mẹ không muốn làm một điều lầm lẫn thứ hai. Nếu tình yêu nảy nở giữa Bách và con gái ông ta, mọi việc sẽ bị lộ hết, có thể Bách sẽ kể cho cô ta nghe hết mọi chuyện.

-         Anh ấy đâu có ngu gì làm thế?

-         Con Hằng là một đứa nguy hiểm, nó là một mối đe dọa lớn mà ba mẹ con mình sẽ phải đương đầu với.

-         Tại sao? mẹ giải thích cho con nghe tại sao Hằng là một mối đe dọa? có phải chỉ vì anh Bách thích chị ấy?  Anh Bách có hàng lô bạn gái, sao chẳng bao giờ mẹ can thiệp? mẹ biết rồi cuối cùng tình yêu của anh ấy cũng phải đi đến chỗ chấm dứt…

-         Trường hợp này khác.  Dì Lý thấp giọng xuống, Hằng là con của ông ta, nó là một trở ngại lớn cho chương trình của mình, nếu để Bách yêu nó là hỏng hết, vì vấn đề trong tương lai mà Bách sắp phải đương đầu, có thể Bách vì yêu mà không dám thi hành.

 

Lưu Phương Lan

Xem tiếp chương 6