Tiếng dương cầm

 

 



 

 

Tiếng dương cầm - Chương 03


PHƯƠNG LAN 


Khi tôi thức dậy, trời hãy còn sớm.  Tôi ra đứng nơi cửa sổ để ngắm bình minh, bầu trời trắng đục như sữa trở nên trong sáng dần, nơi chân trời phía đông, vài tia sáng dấy lên nhuộm hồng những đám mây, rồi mặt trời xuất hiện đỏ rực như một đám lửa...  Hừm! đám lửa lại khiến tôi nhớ đến đám cháy trong câu chuyện của mẹ tôi và Dung.  Không, thật vô lý hết sức và không có một liên quan nào hết, chắc tôi chỉ tưởng tượng.  Tôi mỉm cười tự chế diễu, và đi vào buồng tắm, nước xối ào ào cho tôi một cảm giác dễ chịu.  Tôi nghĩ thầm tội nghiệp con nhỏ cô độc quá, những nơi vắng vẻ thế này chỉ thích hợp với những người ưa ẩn dật, đâu có hợp với lứa tuổi đang lớn của nó, thái độ thù địch và chống đối lại mẹ nó cũng có thể hiểu được.  Nhưng bây giờ tôi đã ở hẳn đây, tôi có thể giúp nó, tôi sẽ làm bạn với nó, thay vì chỉ là một người chị hờ, khác bố, khác luôn cả mẹ.  Hy vọng đời sống sẽ dễ thở hơn cho tất cả mọi người. 

Khi tôi tắm xong, cửa phòng của Dung vẫn còn đóng kín, tôi đi xuống nhà dưới.  Giờ này mọi người chưa ai thức dậy cả, căn nhà vắng vẻ một cách lạ thường, giống như lâu đài của cô công chúa ngủ ở trong rừng.   Tôi cố nhón gót đi thật nhẹ để khỏi làm mọi người thức giấc.  Xuống đến nhà dưới, tôi đi một lượt khắp nơi.  Tới phòng khách, tôi dừng lại một lúc, căn phòng này bây giờ tôi mới được nhìn rõ hơn, tường sơn màu vàng, những bàn ghế đều bằng gỗ trạm trỗ rất khéo.  Dưới bộ salon là một tấm thảm Ðông phương với những nét thêu rất sắc sảo chứng tỏ giá trị thuộc loại đắt tiền. 

Trong một góc phòng, nơi có cái cửa sổ trổ ra sân trước, có đặt một cây đàn dương cầm lớn bằng gỗ màu đỏ chạm trổ, kiểu rất xưa nhưng trông không có vẻ cũ tí nào, chắc là ít được dùng đến.  Tôi lại gần dở nắp lên coi thử, ở đáy thùng làm bằng gỗ quý, có in một hàng chữ nổi khá lớn ghi rõ xuất xứ của cây đàn, được chế tạo tại Germany năm 1896, nghĩa là hơn bảy chục năm về trước, nhưng những phím ngà vẫn còn bóng láng, xen lẫn đều đặn với những phím nổi màu đen, tạo nên một sự tương phản màu sắc hài hòa đẹp mắt, tất cả đều còn mới.  Phía mặt trước, dưới cái giá để đựng những bản nhạc, có khắc hàng chữ mạ vàng STEINWAY.  Rõ ràng đây là một cây đàn cổ,với dàn máy nguyên thủy của Ðức, nhưng thùng đàn và những phím đàn đã được thay thế, tân trang lại cho mới và tăng vẻ thẩm mỹ, sang trọng.  Ðể kiểm nghiệm cho sự suy đoán của mình, tôi ngồi xuống chơi thử một đoản khúc của Chopin.  Khi những ngón tay của tôi đi dạo trên phím đàn, những âm thanh trầm bổng vang lên trong trẻo tuyệt vời, đến một đoạn phải chơi thật nhẹ, cây đàn đáp đáp ứng bằng những tiếng thì thầm như gió thoảng và những tiếng ngân thanh thoát như tiếng sáo diều chơi vơi trong không gian một lúc rồi mới tan biến hẳn.  Thật tuyệt, tôi nghĩ thầm không hiểu cha tôi hay dì Lý đã tìm ở đâu ra một cây đàn tuyệt hảo như vậy?  

Nếu mẹ còn sống… Mắt tôi mờ đi, hình ảnh của mẹ tôi chợt hiện ra với nét mặt xinh đẹp dịu dàng, ngồi bên chiếc đàn dương cầm nhỏ nhắn, xoàng xĩnh do cha tôi mua tặng trong dịp kỷ niệm cưới của hai người.  Mẹ tôi là giáo sư dạy đàn, cả đời bà chỉ ao ước có một cây đàn dương cầm tốt như thế này, nhưng chưa được thỏa nguyện, vì dạo đó cha tôi còn ở trong quân đội, không làm được nhiều tiền như bây giờ.  Tuy vậy, mẹ tôi vẫn sung sướng với món quà khiêm nhường cha tôi mua tặng.  Cây đàn đó đã chứng kiến những ngày hạnh phúc của gia đình tôi, và cũng với cây đàn đó, mẹ tôi đã dạy cho tôi những bước vỡ lòng để đi vào thế giới âm nhạc.  Bây giờ cha tôi trở nên giàu có, thì mẹ tôi lại không còn sống nữa để mà hưởng. 

Tôi chợt giật mình ngẩng lên, có tiếng động nhỏ nơi cửa sổ, một cành cây gãy bị gió thổi va vào cửa sổ gây ra những tiếng rột roạt.  Tôi đóng nắp đàn lại, và để khỏi nghĩ ngợi lan man, tôi thở mạnh, xua đuổi hình ảnh của quá khứ, và tiếp tục quan sát.  Trên tường, một bức tranh sơn dầu rất lớn trông giống như ở trong viện bảo tàng, người đàn ông mặc y phục kiểu đi săn với quần ống chẽn màu kaki nhạt, áo dạ đỏ, khẩu súng trường khoác nơi vai, thời trang của những người nhà giàu hơn hai mươi năm về trước.  Nhìn kỹ, khuôn mặt người đàn ông trong tranh có những nét hao hao giống Bách, có thể đây là cha hoặc ông nội của Bách.  Ðứng một hồi, tôi phân vân không biết phải làm gì, nếu ở nhà tôi ở Sài Gòn, tôi sẽ đi xuống bếp và pha lấy một ly cà phê sữa, nhưng ở đây, không biết dì Lý cất những thứ đó ở đâu? Thôi đành chờ mọi người thức dậy vậy, có thể dì sẽ nhờ tôi giúp sửa soạn bữa ăn điểm tâm.

Tôi bước ra ngoài vườn, đi dọc theo những bụi hồng trổ đầy hoa.  Bây giờ mặt trời đã ló dạng, và ánh bình minh chiếu phớt trên những ngọn cây sồi cao lớn, một cảnh đẹp chưa từng thấy. Tôi nhìn hai bên đường, đâu cũng một màu xanh tươi của lá và hoa mọc khắp nơi, một đặc sắc của Ðà Lạt, nhất là không khí tinh khôi của buổi sáng và sương mù về buổi chiều.  Những con chim di nhỏ xíu nhảy lách tách chuyền từ cành này sang cành khác, vừa kêu chíp chíp.  Không khí tràn ngập hương thơm của hoa hồng mọc đầy trong vườn, biệt thự Vườn Hồng quả thật xứng đáng với cái tên.  Tôi đi vòng ra phía sau nhà và dừng lại bên một bờ ao, mặt ao phủ đầy những bông súng màu tím, dầy đặc tới nỗi khó nhìn thấy mặt nước.

-         Hằng, đây cơ mà, Hằng!

Tôi giật nẩy mình quay lại, Bách đã đứng sau lưng tôi từ bao giờ, hắn mặc quần áo thể thao ngắn và đi đôi giày vải.

-         Hằng!  Bách gọi và đi lại phía tôi, sao cô dậy sớm thế?  Hôm qua đi máy bay mệt nhọc, tôi đoán cô phải ngủ tới trưa.

-         Ở nhà tôi vẫn có thói quen dậy sớm, còn anh?

-         Tôi hay tập thể thao buổi sáng trước khi mặt trời lên cao.  Lúc ở Huế, tôi có đủ mọi dụng cụ thể thao, nhưng ở đây tôi chỉ chạy bộ một lúc cho nóng người.

-         Tối qua dì nói rằng người ta sắp xây một hồ bơi ở phía sau nhà?

-         Con Dung nó muốn thế.  Bách nói một cách bực dọc, nó muốn có tất cả mọi thứ ở trên đời này, cứ theo ý nó thì có lẽ sẽ phải xây cả một rạp hát, một sân chơi tennis và cả một khu trung tâm giải trí như ở trong Sở Thú Sài Gòn.

Tôi cười vui vẻ:

-         Hè mà, kể ra cứ bị bó buộc ở trong nhà mãi cũng bực, cái hồ bơi sẽ giúp nó tiêu khiển bớt thì giờ.

-         Nhưng nó có thể bơi ở mấy cái hồ gần đây, hoặc ngay tại cái ao này.

Bách nhe răng cười:

-         Hằng có muốn làm một cuộc phiêu lưu không? thử coi ra sao?  Vào nhà thay quần áo tắm đi.

-         Khỏi có tôi đi! Tôi nói một cách nghiêm nghị, mặc dù biết Bách đùa, Hằng không biết bơi, nhưng nếu có biết, cũng không bao giờ bơi trong cái ao này.

-         Tôi nói đùa đấy, cái ao này chỉ sâu có hơn nữa thước, với lại bẩn lắm, bơi sao được?  Hồi còn nhỏ, tôi và anh tôi chỉ sắn quần lên lội, rồi tha bề nhà toàn là bùn, mẹ tôi la ầm lên, sợ chúng tôi làm bẩn hết đồ đạc trong nhà.

-         Anh trai của Bách? sao tôi không nghe nói đến bao giờ?  Tôi kêu lên sửng sốt, anh và Dung có một người anh trai?

Bách gật đầu:

-         Nhưng anh ấy chết rồi, chết trong một tai nạn bị ngựa quăng xuống đất, gãy xương sống.  Lẽ ra Linh không nên liều lĩnh như thế, anh ấy chưa quen cưỡi ngựa, nhất là lại cưỡi con ngựa chứng, bất trị.

-         Kinh khủng quá!

-         Chính thế, mẹ tôi gần như hóa điên, bà không thể nào chịu nỗi cái ý nghĩ một trong những đứa con của bà phải ra đi vĩnh viễn.

-         Tôi biết, tôi cũng phải trải qua cái thảm cảnh như thế vì cái chết của mẹ tôi.  Tới bây giờ tôi vẫn không tin rằng bà đã chết, tôi vẫn thấy bà trong mơ và có cảm tưởng bà vẫn sống gần tôi.

-         Chắc Hằng nhớ mẹ lắm?  Bách hỏi thật nhỏ.

-         Ừ, Bách cứ tưởng tượng Bách nhớ cha và anh Bách bao nhiêu thì tôi nhớ mẹ tôi giống như thế.

-         Ðâu có giống nhau?  Bách nói, tôi nhớ anh tôi lắm, chúng tôi rất thương yêu nhau và hiểu nhau, từ ngày Linh chết đi, tôi chẳng còn ai để mà tâm sự, chắc còn lâu tôi mới quên được.

-         Thế còn cha Bách, làm sao ông mất?

-         Ông lái xe đi chơi rồi bị tai nạn chết.

-         Trời! thật không may.

-         Ừ, thật chẳng may tí nào, vì sau đó mẹ tôi bị khủng hoảng thần kinh và nếp sống của gia đình tôi bị xáo trộn từ đấy.

-         Thật đáng buồn. Tôi ngậm ngùi nói, mất đi người cha không khác nào mất đi cái cột trụ của gia đình, chắc mọi người cũng nhớ cha Bách lắm?

-         Không hẳn.  Bách nhìn đi chỗ khác nói, cái chết của ông không làm mọi người xúc động lắm như cái chết của anh Linh.

-         Tại sao?

-         Tại vì… Bách ngập ngừng, ông đã phản bội mẹ Bách.

Tôi ngạc nhiên toan hỏi cho rõ, nhưng Bách đã ngưng lại, hít vào một hơi thật sâu:

-         Thôi đủ rồi, đừng nói chuyện buồn nữa, nói cái gì vui vui đi, cơn gió nào đưa Hằng ra đây sớm thế?

-         Hằng tò mò về cái ngôi nhà đổ nát ở đằng kia, Hằng muốn lại gần xem nó như thế nào, thế rồi Hằng đi qua khu vườn hồng ra sau nhà và nhìn thấy cái ao…

-         À, cái nhà ấy xưa kia là nhà dành cho bọn người làm.  Ngày trước, những người giàu thường nuôi trong nhà cả bầy gia nhân.  Lại đây! mình đi vòng quanh, tôi sẽ chỉ cho Hằng xem.

Chúng tôi bước song song bên nhau cùng đi về phía tòa nhà cổ, tòa nhà mà qua cửa số tôi nhìn từ phía xa chỉ thấy gạch đỏ và gỗ.  Khi lại gần, khung cảnh đổ nát tiêu điều tới nỗi khó mà tưởng tượng nổi khi xưa đã có người sống ở trong đó.  Cửa chính mở toang, và những cửa sổ mất hết cánh, chỉ còn trơ cái khung trông ra cánh đồng rộng lớn, dấu tích của một cái đồn điền bỏ hoang.  Khi chúng tôi đi vòng trở lại, tôi ngạc nhiên khám phá ra ở phía sau vườn có một cái nhà nhỏ làm bằng gỗ, trông cũ kỹ giống như một cái nhà kho, nhưng có lẽ đã được sửa sang lại với những cửa sổ có song sắt đóng kín, và cửa chính được khoá lại bằng một cái khoá to tướng.  Sau lưng cái nhà kho cũ kỹ đó, là một cái chuồng ngựa bỏ hoang.  Bách kể cho tôi nghe:

-         Sau cái chết của Linh, mẹ tôi đã tống hết những con ngựa đi, bà thề sẽ không bao giờ nuôi ngựa nữa.

-         Còn cái gì ở đằng kia?

Tôi hỏi và chỉ vào khu đất có hàng rào bao quanh ở bên hông vườn, bên trong nhấp nhô những nấm đất tròn tròn trông như những ngôi mộ.  Bách giải thích:

-         Ðó là nghĩa trang của gia đình tôi, gọi là Lê Hữu từ đường, chỉ dành riêng cho những người ở trong gia đình.  Cha tôi và Linh đều được chôn ở đấy.

-         Trông cũ quá, cỏ mọc lan tràn hết.  Bách có nghe dì và cha tôi bàn đến việc sửa sang lại không? như xây lăng mộ và thuê người dãy cỏ?

-         Chưa có thì giờ, còn có nhiều việc khác phải làm, hơn là lo sửa sang cái nghĩa địa.

 

Khi chúng tôi quay trở về, Bách bỗng nắm nhẹ lấy tay tôi:

-         Thế nào? cảm nghĩ của Hằng ra sao? biệt thự Vườn Hồng này có được phần nào như sự mong muốn của Hằng không?

-         Ðẹp lắm, chỉ không ngờ là quá vắng vẻ.

Có nhiều biệt thự như thế này ở rải rác khắp Ðà Lạt, những người nhà giàu họ mua để làm chỗ nghĩ mát vào mùa hè, hoặc làm nơi an dưỡng lúc tuổi già.  Sống ở trong đó thì tha hồ biệt lập chẳng ai dòm ngó, khác hẳn ở dưới phố.  Để lúc nào rảnh, tôi sẽ dắt Hằng đi xem.

Khi chúng tôi về tới nhà, thì tất cả mọi người đã ngồi vào bàn ăn điểm tâm, mùi cà phê bay thơm lừng khắp gian nhà bếp.  Trên mặt bàn có bánh mì nướng, bơ và mứt dâu, lại có cả liễn cháo đậu xanh và một đĩa trứng muối.

-         Chào dượng, chào mẹ và em Dung!  Bách nói, hôm nay ăn sáng có gì đấy? mẹ có để phần cho con và Hằng nữa à?

-         A các con!  Cha tôi nói với vẻ ngạc nhiên, bố đâu có ngờ hai đứa đi chung với nhau như thế này, bố cứ tưởng Hằng còn ngủ và Bách đang tập chạy bộ ngoài đường.

Bách buông vội tay tôi ra và nói:

-         Dượng đoán đâu có sai? con vừa mới chạy bộ xong.

Dung nhún vai, nó đảo tia nhìn từ anh sang mẹ như để dò xem phản ứng của bà khi thấy Bách và tôi nắm tay nhau.  Tôi cũng liếc nhanh Dung, cặp mắt nó cau lại và đôi môi mím lại mỏng dính:

-         Rồi, hai người làm cái gì từ sáng sớm vậy?  Anh muốn nói chị Hằng cũng chạy bộ như anh?

-         Tao ra ngoài tập thể thao như thường lệ, rồi tình cờ gặp Hằng cũng thức sớm để đi dạo, tao đưa cô ấy đi xem ngôi nhà cổ.

-         Ngôi nhà đổ nát ấy thì có gì hấp dẫn? nó chứng tỏ một quá khứ tối tăm.

Trong khi Dung nói, thì dì Lý chỉ nhìn Bách bằng một cái nhìn nghiêm khắc, Bách cúi mặt xuống như người phạm tội.  Tuy cả hai không ai nói một lời, nhưng họ có một lối hiểu ngầm bí mật, một cuộc đối thoại không bằng lời. Dung ăn uống ngồm ngoàm và cũng không nói gì thêm nữa, nhưng hình như cũng tham dự một phần vào câu chuyện của mẹ và anh.  Nhìn sự yên lặng của ba mẹ con họ có một vẻ gì khó hiểu, tôi lại chợt có cảm giác như người vừa đánh mất cái gì, ba người này đang chia xẻ một điều gì bí mật mà rõ ràng cha tôi và tôi đều là những người ngoại cuộc.

Nhưng rồi cái phút giây kỳ lạ ấy qua đi và mọi việc lại trở bình thường.  Lệ Hằng! mi nghi ngờ cái gì kỳ vậy? tôi tự mắng mình.  Từ lúc đặt chân đến biệt thự Vườn Hồng, nhiều việc lạ lùng xảy ra, rồi trở lại bình thường khiến tôi rối loạn không còn biết đâu là thực, đâu là giả, hay chỉ tưởng tượng.  Ðôi lúc tôi tưởng tôi đã đoán được sự việc, xong chỉ một thoáng tôi lại để vuột mất. Có lúc tôi thấy bà mẹ ghẻ của tôi đầy vẻ đe dọa, nhưng vài phút sau bà lại có cử chỉ dịu dàng, nồng ấm tới nỗi tôi cảm thấy buồn cười cho những ý nghĩ của tôi lúc trước.  Lần này cũng vậy, khi bà rót nước trái cây vào ly của tôi và của Bách với một cử chỉ săn sóc, tôi lại cảm thấy ân hận, tôi cám ơn bà và ngồi xuống cái ghế cạnh cha tôi, Bách đứng dậy lấy thêm một hộp bánh bích qui.  Trong lúc ăn, cha tôi bàn về chương trình trong những ngày sắp tới, cha tôi cho biết là ông sắp bắt đầu khởi sự viết cuốn tiểu thuyết mới, còn dì Lý thì nói là dì cần đi xuống phố để mua sắm.

-         Lần này không giống như những lần trước… Cha tôi vui vẻ nói, bố sẽ viết về cuộc chiến Việt Nam, bố chưa bao giờ viết một truyện có tính cách thời sự, một chuyện tình lồng trong khung cảnh tao loạn của đất nước.  Có lẽ khí hậu mát mẽ và khung cảnh nên thơ của Ðà Lạt đã tạo cảm hứng cho bố.

-         Nếu vậy mình cứ ở nhà để viết, em sẽ xuống phố một mình, em cần mua một ít vật dụng ở trong nhà.  Dì Lý nói, em thích được đi ra ngoài với mình, nhưng đừng vì em mà mất nguồn cảm hứng.  Nhớ viết về thành phố Ðà Lạt thơ mộng này và làm cho nó trở nên bất diệt.

-         Lái cẩn thận nhé!  Cha tôi dặn, nhớ ghé sở điện thoại hỏi xem việc lắp điện thoại như thế nào, mình ở đây biệt lập quá, anh không muốn bị cô lập với thế giới bên ngoài.

-         Con đi với mẹ được không?  Dung hỏi một cách nóng nảy, nhà mình hết cả mứt trái cây rồi mà mẹ chẳng bao giờ mua loại ngon nếu không có con ở đấy.

Bách đề nghị:

-         Nếu vậy thì cả bốn người cùng đi, trong khi mẹ bận đi mua bán, con sẽ dắt Hằng đi coi Viện bảo tàng.

-         Phải đấy!  Dung đồng ý, ít nhất Viện bảo tàng cũng còn hơn cái ngôi nhà đổ nát ở Trại Hầm.

Nhưng dì Lý quay sang tôi mỉm cười:

-         Dì thích đem Hằng đi theo, nhưng đừng có trông chờ quá nhiều ở cái Viện bảo tàng đó, cũng chẳng có gì đáng coi đâu, thua xa Viện bào tàng ở Sở Thú Sài Gòn.  Ðược, Dung có thể đi theo, nhưng Bách thì nên ở nhà hôm nay vì có thợ đến sửa mái ngói, phải có người ở nhà để trông cho họ làm.

-         Nhưng dượng ở nhà rồi mà?

-         Cứ cho Bách đi.  Cha tôi nói, anh đâu có ở mãi trong phòng? thỉnh thoảng anh sẽ ra coi thợ.

Nhưng dì Lý cương quyết dứt khoát:

-         Mẹ muốn Bách ở nhà, đừng cãi.

Bà nói thêm, khi Bách mở miệng toan phản đối:

-         Dượng phải làm việc, mẹ không muốn dượng phải gián đoạn công việc để coi thợ, Bách đừng cãi nữa.  Hằng và Dung sẵn sàng chưa? mình sẽ đi ngay sau khi ăn sáng, dì muốn trở về trước khi thợ làm xong để còn bảo họ dọn dẹp những thứ họ bày bừa ra.

 

Khi bữa ăn chấm dứt, phụ với dì Lý dọn dẹp bàn ăn xong, tôi chạy vội lên lầu thay quần áo, tôi mặc một cái váy màu xanh và sơ mi trắng, đồng phục của trường Marie Curie ở Sài Gòn.  Khi tôi xuống thang thì thấy dì Lý và Dung đang đi ra xe, tôi ra theo nhưng cha tôi gọi giật lại:

-         Hằng! bố nhờ tí việc, khi dì đi chợ, con ghé lại thư viện mượn cho bố vài quyển sách, được không?

-         Ðược chứ! bố muốn mượn cuốn gì?

-         Bố cũng không biết rõ tên sách, nhưng bố cần vài quyển về địa lý và lịch sử của tỉnh này, con cứ ghé lại kệ sách và lựa cuốn nào mà con cho rằng có vẻ hấp dẫn.

-         Con có cần thẻ thư viện không?

-         Bố mới xin thẻ tuần trước, con cứ hỏi người quản thủ thư viện và nói tên bố, có thể họ đã sẳn sàng.

Dì Lý đã cho xe ra khỏi garage và đậu lại trên lối đi chờ tôi, cái xe Chevrolet riêng của dì.  Dì ngồi sau tay lái, còn Dung ngồi ở băng sau, cứ nhổm lên nhổm xuống tỏ vẻ sốt ruột.

-         Hằng xin lỗi vì để mọi người chờ.  Tôi nói và mở cửa xe ngồi cạnh ghế trước với dì Lý, con đã ra tới cửa nhưng bố chặn con lại và nhờ ghé thư viện mượn vài quyển sách. 

-         Nếu vậy thì tiện lắm, vì thư viện cũng ở gần sở điện thoại.  Trong lúc Hằng lựa sách thì dì sẽ ghé sở điện thoại để yêu cầu họ gắn điện thoại cho nhà mình.

 

Lưu Phương Lan

Xin xem tiếp chương 4